Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ PGT

Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng lâm sàng Trung tâm HTSS IVF Hồng Ngọc

Thế nào là xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản giúp các cặp vợ chồng vô sinh có con của chính mình. Ở phương pháp này, trứng và tinh trùng sẽ được lấy ra và tiến hành thụ tinh trong phòng thí nghiệm, phôi tạo thành được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm rồi được chuyển vào buồng tử cung cho người vợ.

Thông thường, phôi có tiềm năng làm tổ được đánh giá bằng hình thái, tốc độ phát triển của các tế bào, phôi được cho là có tiềm năng làm tổ hơn được ưu tiên chuyển trước để rút ngắn thời gian điều trị có thai cho bệnh nhân. Tuy vậy, phôi được chọn để chuyển có thể có hình thái bình thường nhưng lại chứa đựng những bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể làm cho phôi không đậu, sảy thai sớm, thai dị tật nặng nề. Khi đó sàng lọc di truyền bất thường về số lượng, cấu trúc nhiễm sắc thể có thể giúp loại trừ được các nguy cơ này.

xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ

Ở một số trường hợp, bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ mang những gen bệnh trong bệnh lý di truyền đơn gen, chuẩn đoán di truyền phôi tiền làm tổ có thể xác định những phôi không mang gen bệnh để chuyển, giúp cặp vợ chồng có thể có con hoàn hoàn khỏe mạnh hoặc không mang gen bênh. Một số bệnh lý di truyền đơn gen như bệnh lý thalassemia alpha, thalassemie beta, rối loạn chuyển hóa galactose, bệnh thận đa nang….

Hiện nay, xét nghiệm di truyền phôi trước khi phôi làm tổ thường sử dụng nguồn mẫu tế bào từ phôi nang (phôi ngày 5,6), là phôi đã trải qua quá trình hoạt hóa bộ gen, chất lượng phôi được thể hiện rõ, đã vượt qua chọn lọc tự nhiên và có khả năng làm tổ cao sau khi chuyển vào tử cung (trên 60%). Số lượng tế bào trong giai đoạn phôi nang khá lớn (khoảng 200 – 300 tế bào) và mỗi lần sinh thiết phôi có thể thu nhận 3-5 tế bào bên ngoài, là tế bào nuôi phôi không tham gia vào sự hình thành thai.

Có ba nhóm xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ bao gồm:

Xét nghiệm bất thường số lượng nhiễm sắc thể (PGT-A).

Xét nghiệm cho tình trạng tái sắp xếp cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR).

Xét nghiệm cho các bệnh di truyền đơn gen (PGT-M).

Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ được chỉ định cho những trường hợp nào?

Xét nghiệm phát hiện bất thường số lượng nhiễm sắc thể PGT-A được chỉ định cho các trường hợp:

– Sảy thai liên tiếp ≥ 3 lần

– Vợ lớn tuổi ( ≥ 36 tuổi)

– IVF thất bại nhiều lần (≥ 3 lần)

– Tiền sử sinh con bất thường về số lượng nhiễm sắc thể.

Xét nghiệm cho các bệnh di truyền đơn gen (PGT-M).

– Vợ và chồng mang đột biến gen gây bệnh : Thalassemia, Teo cơ tuỷ, thiếu yếu tố đông máu FVII…

– Vợ mang đột biến gen liên kết nhiễm sắc thể giới tính X (Bệnh máu khó đông Hemophilia, loạn dưỡng cơ Duchenne/Becker…)

– Trường hợp đặc biệt:

+ Lựa chọn giới tính:trong các bệnh di truyền liên kết giới tính

+ Bệnh di truyền khởi phát muộn (gen ung thư vú BRCA1, BRCA2…)

+ Trị liệu tế bào gốc: chọn HLA phù hợp

Xét nghiệm cho tình trạng tái sắp xếp cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR).

Vợ hoặc chồng mang bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể: chuyển đoạn cân bằng nhiễm sắc thể, chuyển đoạn hoà nhập tâm Robersonian, mất hoặc nhân đoạn nhiễm sắn thể…

Lợi ích của xét nghiệm di truyền phôi trước làm tổ

Tầm soát các bất thường về nhiễm sắc thể và về gen.

Những phôi được tầm soát về chất lượng di truyền tốt sẽ có khả năng làm tổ cao và phát triển thai tốt.

Giảm nguy cơ sẩy thai, thai dị tật.

Giảm tỷ lệ đa thai do giảm số phôi chuyển (chuyển đơn phôi nguyên bội)

Giảm thời gian điều trị tính đến khi đến có con do các phôi đã được chọn lọc kĩ trước khi chuyển.

Giảm chi phí phát sinh trong quá trình điều trị các dị tật của thai nhi và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.

Quy trình thực hiện xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ

Bệnh nhân sẽ được tiến hành một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm kích thích buồng trứng cho vợ, chọc hút trứng, thụ tinh trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm, tạo phôi, nuôi cấy phôi.

Phôi đạt chất lượng tốt hoặc khá ở ngày 5 hoặc ngày 6, đủ điều kiện sẽ được tiến hành sinh thiết thu nhận 3 – 5 tế bào từ lá nuôi phôi. Sau khi sinh thiết, phôi sẽ được trữ lạnh cho chu kì chuyển phôi trữ và các tế bào thu nhận được sẽ được gửi đi phòng thí nghiệm di truyền. Bệnh nhân sẽ nhận được kết quả xét nghiệm của từng phôi vào khoảng 10 – 15 ngày sau sinh thiết, tuỳ thuộc vào loại xét nghiệm.

Tại phòng xét nghiệm di truyền, mẫu tế bào sẽ được sử dụng các kỹ thuật: di truyền phân tử: PCR, PCR đa mồi, giải trình tự, kỹ thuật nucleotide đơn đa hình (SNP)… hoặc di truyền tế bào: lai huỳnh quang tại chỗ (FISH: hiện ít sử dụng vì hạn chế khảo sát), microarray (arrayCGH, SNP microarray)… để phát hiện bất thường về gen hoặc bất thường bộ nhiễm sắc thể.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpagehttps://www.facebook.com/ivfhongngoc2022

Bài viết liên quan