Những điều cần biết về mang thai sau khi điều trị ung thư

Tác giả: Bác sĩ Vũ Việt Hoàng – Bác sĩ lâm sàng IVF Hồng Ngọc

Nếu bạn là người đã giành phần thắng trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư quái ác, thì việc mang thai và có con sau đó cũng sẽ là một quyết định khó khăn. Chúng ta sẽ cần phải chú ý đến một vài vấn đề quan trọng trước khi quyết định bổ sung thêm thành viên mới cho gia đình.

Mang thai sau khi điều trị ung thư
Mang thai sau khi điều trị ung thư là một thử thách lớn đối với người phụ nữ

Quản lý thai kỳ ở những người sau điều trị ung thư có khó khăn không?

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp mang thai ở những phụ nữ sau điều trị ung thư đều được quản lý thai nghén giống như thông thường. Bệnh nhân sẽ đi khám thai định kỳ giống như các sản phụ bình thường khác trong cùng độ tuổi ở những mốc thời điểm quan trọng.

Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể có các vấn đề liên quan đến phơi nhiễm điều trị ung thư trước đó như suy giáp hay rối loạn chức năng tim, phổi…thì cần thêm sự chăm sóc đặc biệt và phối hợp từ các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, tim mạch, sản. Trong trường hợp này sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi cần được theo dõi một cách chặt chẽ, sát sao hơn.

Đồng thời đối với tất cả các trường hợp mang thai sau điều trị ung thư đều cần chăm sóc, theo dõi ung thư trong suốt thai kỳ và sau sinh.

Mang thai có làm ung thư tái phát trở lại?

Thông thường, mang thai không làm tăng nguy cơ ung thư tái phát trở lại. Nhưng để an toàn cho cả mẹ và bé đồng thời giúp việc quản lý thai kỳ diễn ra thuận lợi hơn thì bệnh nhân thường được khuyến cáo đợi một vài năm sau khi điều trị ung thư rồi mới bắt đầu mang thai. Thời gian phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, sức khoẻ, loại ung thư, giai đoạn ung thư, phương pháp điều trị ung thư và nội tiết của người phụ nữ sau điều trị bệnh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực phụ sản và ung thư khuyến cáo không nên mang thai trong năm đầu sau kết thúc hoá trị và nên đợi từ 2-5 năm để chắc chắn không tái phát bệnh trước khi quyết định có con. Bởi sau điều trị người bệnh cần tối thiểu 6 tháng để phục hồi và thải trừ hết các yếu tố có hại ra khỏi cơ thể mình. Đặc biệt với ung thư vú, trong thai kỳ, một số hormone tăng lên có thể khiến các tế bào ung thư phát triển và bùng phát trở lại.

Chính vì thế việc sử dụng các biện pháp tránh thai khi đang điều trị ung thư là rất cần thiết. Nếu nhỡ kế hoạch thì cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để đưa ra hướng xử trí kịp thời.

Mang thai sau khi điều trị ung thư
Nên đợi từ 2-5 năm để chắc chắn không tái phát bệnh trước khi quyết định có con

Ảnh hưởng của điều trị ung thư lên khả năng sinh sản như thế nào?

Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay bao gồm thuốc điều trị đích, hoá trị, xạ trị và phẫu thuật. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà bệnh nhân sẽ sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp kể trên. Mỗi phương pháp đều có ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng sinh sản sau này của người bệnh, cụ thể:

– Hoá trị liệu có thể gây độc cho buồng trứng từ đó làm rối loạn chức năng dẫn đến việc mãn kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn tuỳ vào liều lượng hoá chất, thời gian điều trị và tuổi tác của bệnh nhân. Người càng cao tuổi thì càng khó mang thai sau này.

– Hóa trị liệu anthracycline bao gồm điều trị bằng doxorubicin (có sẵn dưới dạng thuốc generic), daunorubicin (Cerubidine), epirubicin (Ellence) và idarubicin (Idamycin). Những phương pháp điều trị này có thể làm hỏng các tế bào tim và làm suy yếu tim, khiến cho quá trình mang thai và chuyển dạ gặp nhiều khó khăn hơn.

– Xạ trị có thể ảnh hưởng đến các tế bào hỗ trợ và cung cấp máu của tử cung. Nó cũng có khả năng làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhẹ cân và các vấn đề khác.

– Xạ trị vùng chậu cũng ảnh hưởng lên buồng trứng và gây hậu quả tương tự như hoá trị. Xạ trị tại các vùng khác thì tác động không thực sự rõ ràng.

– Phẫu thuật tại cổ tử cung: loại bỏ bất kỳ phần nào của cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

Chính vì thế bệnh nhân nên lập kế hoạch bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư bằng cách trữ đông trứng hay tinh trùng hoặc tạo phôi và trữ đông phôi.

Việc bảo tồn sức khỏe sinh sản là vô cùng cần thiết đối với người điều trị ung thư trước khi sinh con

Sức khoẻ của trẻ sinh bị ảnh hưởng như thế nào?

Nhiều người bị ung thư lo lắng rằng con cái của họ cũng có khả năng bị ung thư. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư của những đứa trẻ được sinh ra từ những người mắc bệnh ung thư và những người sống sót sau khi điều trị đều không cao.

Một số bệnh ung thư có liên quan tới yếu tố di truyền, tức là bệnh có thể được truyền từ cha mẹ sang con thông qua gen thì khả năng sinh con mắc ung thư cũng sẽ cao hơn. Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín, tham khảo ý kiến từ cả bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ di truyền để hiểu rõ hơn, đồng thời đưa ra được quyết định chính xác nhất.

Đối với các bệnh nhân ung thư thì việc mang thai hay sinh con là điều không hề đơn giản và quá trình điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của người bệnh. Vậy nên trước khi tiến hành điều trị, người bệnh nên có kế hoạch bảo tồn sinh sản từ sớm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân cũng như em bé nếu có ý định sinh con về sau.

Để hiểu rõ hơn về những chính sách hỗ trợ và chương trình ưu đãi, vui lòng liên hệ:

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022

Xem thêm các bài viết khác:

NHỮNG YẾU TỐ GÂY VÔ SINH NỮ HIỆN NAY

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TRỮ ĐÔNG TINH TRÙNG

TRỮ ĐÔNG TRỨNG: MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT