Tác giả: Nguyễn Bình Dương – Bác sĩ lâm sàng IVF Hồng Ngọc
Kích rụng trứng là bước chuẩn bị thiết yếu trong quá trình điều trị hiếm muộn. Vậy quá trình kích trứng là gì, liều thuốc tối ưu là bao nhiêu và những vấn đề xung quanh chủ đề kích rụng trứng sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Quá trình kích trứng và mũi tiêm rụng trứng
Thuật ngữ “tiêm rụng trứng” không còn điều quá xa lạ đối với những ai đã từng thăm khám và điều trị hiếm muộn. Mũi tiêm rụng trứng luôn là một bước chuẩn bị quan trọng để kết thúc quá trình kích trứng và chờ đợi thành quả (trứng rụng) để tiếp tục chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Tìm Hiểu Về Quá Trình Kích Trứng Diễn Ra Như Thế Nào Ở Phụ Nữ
Quá trình kích trứng thật ra là quá trình nuôi dưỡng và chuẩn bị cho các tế bào nang trứng đạt được tới các giai đoạn phát triển phù hợp nhằm thực hiện chức năng của mình. Trong nang trứng có 3 loại tế bào quan trọng là tế bào vỏ, tế bào hạt và tế bào trứng. Tế bào vỏ và tế bào hạt cần đảm bảo được chức năng nội tiết là tiết ra các loại hormone sinh dục giúp duy trì hoạt động bình thường của trụ sinh dục. Trong khi đó tế bào trứng sẽ thực hiện chức năng thụ tinh và tạo phôi của mình.
Trong suốt những ngày kích trứng, các tế bào vỏ hạt và hạt sẽ được cung cấp một loại “thức ăn” gọi là hormone FSH để tăng trưởng và phát triển về mặt số lượng cũng như chức năng. Còn tế bào trứng vẫn tiếp tục “ngủ vùi” ở buồng trứng kể từ thời kỳ bào thai của cơ thể. Điều đó có thể hiểu là một người phụ nữ năm nay 20 tuổi thì tế bào trứng chưa được sử dụng của cô ấy đã “ngủ yên” 21 năm.
Quy Trình Kích Thích Buồng Trứng Trong IVF
Sau khoảng 10 ngày kích trứng, các nang trứng đáp ứng với thuốc kích trứng bằng cách tăng dần về mặt kích thước và tăng cả hoạt động về mặt nội tiết. Đến thời điểm khi trứng đạt đến tiêu chí nhất định thì bác sĩ sẽ quyết định sử dụng mũi tiêm kích trứng cuối cùng hay còn gọi là mũi tiêm rụng.
Mũi tiêm rụng này giải quyết một số vấn đề vô cùng quan trọng như: làm vỡ nang trứng để sẵn sàng giải phóng cụm tế bào trứng, tách tế bào trứng ra khỏi mối dây liên kết với xung quanh và quan trọng hơn là đánh thức tế bào trứng dậy – bắt tế bào trứng thực hiện bước tiếp theo trong quá trình trưởng thành của mình.
Khi không sử dụng các loại thuốc hỗ trợ kích trứng hay kích rụng, ở các chu kỳ sinh lý bình thường, người phụ nữ thường sẽ rụng trứng vào đâu đó giữa chu kỳ sau khoảng 15-16 giờ từ khi cơ thể xuất hiện đỉnh LH (một loại hormon nào đó). Tuy nhiên, trong một số trường hợp gặp phải tác nhân tâm lý lớn, trứng có thể trưởng thành và rụng vào bất cứ thời điểm nào của vòng kinh.
Bình thường về mặt cơ chế, cơ thể sẽ cần có một loại hormon là LH ở nồng độ cao để giúp cho trứng rụng, nắm được điều này, các nhà khoa học đã đưa ra hai hướng tiếp cận, hoặc sử dụng LH có sẵn của cơ thể, hoặc đưa từ ngoài vào chất giống với LH. Cách đầu tiên là cơ sở để sử dụng các thuốc thuộc nhóm GnRH agonist (như triptoreline, bureseline, leuprolide …) và cách thứ hai là cơ sở để sử dụng các chế phẩm hCG (hormon này cũng thường dùng để chẩn đoán mang thai) với các chế phẩm từ nước tiểu của người phụ nữ mang thai (như Pregnyl hay IVF-C…) hoặc chế phẩm tổng hợp như Ovitrelle…
Hai loại cách tiếp cận trên mỗi loại có ưu và nhược điểm khác nhau. Loại dùng GnRH agonist sẽ giúp ta giảm hẳn được triệu chứng ở những trường hợp quá kích buồng trứng (OHSS) còn loại dùng hCG sẽ giúp cho pha hoàng thể ở phía sau tốt hơn (phù hợp hơn cho các chu kỳ quan hệ tự nhiên, IUI và chuyển phôi tươi). Ngày nay, hai hướng tiếp cận này được lựa chọn với mức độ ưu ái như nhau trên thực hành lâm sàng. Trong trường hợp không cần chuyển phôi ngay chu kỳ đó, chu kỳ hiến trứng hay có nguy cơ quá kích buồng trứng thì GnRH agonist sẽ được ưu tiên hơn, còn trong các trường hợp còn lại hCG sẽ được ưu tiên.
Tiêm Kích Trứng Khi Làm IVF Có Mệt Không ? Chọc Hút Trứng Có Đau Không ?
Một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu hCG lấy từ chế phẩm nước tiểu người phụ nữ đang mang thai tốt hơn hay được tổng hợp hoàn toàn mới tốt hơn? (Pregnyl hay Ovitrelle?). Loại chế phẩm từ nước tiểu tinh chế (như Pregnyl) có giá thành rẻ hơn nhưng hàm lượng có thể khác nhau giữa những mẻ thuốc khác nhau, ngược lại loại tái tổ hợp như Ovitrelle lại đắt hơn nhưng tinh khiết hơn. Các nghiên cứu so sánh giữa hai loại cho thấy ảnh hưởng của chúng đến khả năng mang thai sau chuyển phôi tới nay chưa có khác biệt.
Thuốc kích rụng trứng
Liều thuốc tối ưu cho các thuốc kích rụng cũng là vấn đề được quan tâm. Đối với các chế phẩm hCG từ nước tiểu tinh chế, liều 5000 đơn vị là liều đảm bảo được tối ưu việc trưởng thành của trứng cũng như các thông số khác như tỉ lệ thụ tinh và có thai lâm sàng mà không làm tăng tỉ lệ trứng không rụng – khi so với liều 10.000IU và liều 2.500IU (theo Kolibianakis và cộng sự, 2007). Tương tự đối với các chế phẩm tái tổ hợp, con số này là 250ug (theo Chan và công sự, 2005).
Gần đây một số nghiên cứu bắt đầu được tiến hành về khả năng sử dụng một nhóm thuốc mới để kích rụng: các kisspeptin – bản thân cái tên này là một câu chuyện đùa thú vị của các nhà bác học Hoa Kỳ – họ tìm ra một chất giúp khởi phát tiết các hormon sinh dục ở não, và để cho hợp logic và lãng mạn, họ quyết định đặt tên chất đó là “nụ hôn” – thứ cũng thường được dùng để khởi phát các hoạt động sinh dục ở ngoài đời – và cái tên kisspeptin ra đời từ đó. Việc phối hợp hai nhóm thuốc GnRH agonist và hCG nói trên để kích rụng cho bệnh nhân (dual triggering và double triggering) – đây là đề tài thú vị ta có thể quay lại khi có nhiều dữ liệu hơn.
Câu hỏi cuối cùng là về sử dụng thuốc tiêm rụng như thế nào? Sau bao lâu ta nên chọc trứng? Theo nghiên cứu của Wang và cộng sự 2011 – một phân tích gộp 5 nghiên cứu nhỏ hơn cho thấy thời gian kể từ khi dùng thuốc cho tới thời điểm chọc ở nhóm 36-41 giờ sẽ thu được nhiều trứng trưởng thành hơn nhóm từ 33-36 giờ. Hiện nay, đa phần các trung tâm sử dụng mốc 36 giờ để tiến hành chọc trứng.
Trên đây và vài điểm rất cơ bản về vấn đề sử dụng thuốc kích rụng trứng. Hi vọng bài viết từ chuyên gia của Trung tâm IVF Hồng Ngọc có thể giúp mọi người có cái nhìn cơ bản hơn về mũi tiêm vô cùng quan trọng này!
>> ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Cơ sở 1:
Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014
Cơ sở 2:
Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022
Xem thêm các bài viết khác:
Xem thêm các bài viết khác:
TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI THUỐC KÍCH TRỨNG
4 CÁCH TÍNH NGÀY RỤNG TRỨNG ĐƠN GIẢN NHẤT
TÌM HIỂU VỀ U NANG BUỒNG TRỨNG