Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (viết tắt là PCOS) là bệnh lý toàn thân gây vô sinh hiếm muộn và các rối loạn chuyển hoá khác. Chẩn đoán bệnh lý này không khó do có nhiều biểu hiện rõ ràng, dễ thấy. Bệnh nhân cần tới các phòng khám phụ khoa chuyên về hiếm muộn để có cho mình chẩn đoán chính xác, xác định rõ thể bệnh của mình để có hướng điều trị phù hợp.

Các biểu hiện nghi ngờ hội chứng buồng trứng đa nang

 

Dấu gai đen – acanthosis nigricans

Có nhiều biểu hiện có thể khiến chúng ta nghĩ tới một người phụ nữ mắc Hội chứng buồng trứng đa nang:

  • Rối loạn chu kỳ kinh: thể kinh thưa (khoảng cách giữa hai lần ra kinh dài), vô kinh (không ra kinh). Thường chu kỳ kinh của các bệnh nhân mang PCOS thường dài hơn 35 ngày hoặc ngắn hơn 21 ngày. 
  • Vô sinh/Hiếm muộn: đây có thể là hệ quả trực tiếp của hiện tượng không rụng trứng kéo dài. Không có trứng rụng cũng có nghĩa là không có thai. Trong những trường hợp có trứng rụng, sự tăng nồng độ các nội tiết tố nam trong máu cũng liên quan tới hiện tượng sẩy thai liên tiếp do chúng có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trứng và niêm mạc tử cung. 
  • Da nhiều mụn, rậm lông: đây đều là các biểu hiện của sự tăng cao nội tiết tố nam trong máu. Mồ hôi dầu cũng được coi là một biểu hiện thường thấy, tuy nhiên không hoàn toàn đặc hiệu cho bệnh cảnh này. Rậm lông do hội chứng buồng trứng đa nang thường là lông vùng mu, vùng bụng, dưới hàm và vùng ria. Mặt khác tóc ở vùng đỉnh đầu lại dễ rụng và thưa. Có tới 2/3 số trường hợp bệnh nhân PCOS có các biểu hiện tăng nội tiết tố nam này. 
  • Dấu gai đen (acanthosis nigricans): là các vệt đen, nổi gồ vùng nếp gấp như cổ, gáy, nách, khuyủ tay … 
  • Tăng cân khó kiểm soát, mệt mỏi, chứng ngừng thở khi ngủ (ngáy). Béo trong Hội chứng buồng trứng đa nang thường là béo bụng, mỡ tập trung ở vòng 2 thay vì vòng 1 và vòng 3 như những trường hợp phụ nữ khác. Đặc điểm của rối loạn chuyển hoá mỡ trong PCOS là rất khó để tiêu lượng này đi dù có thay đổi chế độ ăn uống hay tập luyện.

Các biểu hiện của Hội chứng buồng trứng đa nang thường bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn dậy thì, trở nên nặng nề hơn theo thời gian. Tuy nhiên biểu hiện rối loạn chu kỳ kinh cũng gặp phải ở các bé gái trong vòng 3 năm đầu hành kinh nên chẩn đoán bệnh lý ở lứa tuổi dậy thì còn gặp khó khăn. 

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang

Để chẩn đoán được hội chứng buồng trứng đa nang, các bác sĩ cần tiến hành hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm phù hợp. Theo đồng thuận thế giới 2018, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là mắc hội chứng buồng trứng đa nang nếu không mắc các bệnh lý gây đa nang (như U tiết androgen, bệnh lý tuyến giáp, tăng prolactin máu, tăng sản thượng thận bẩm sinh, tăng androgen do thuốc), và thoả mãn hai trong ba tiêu chí sau:

Cường nội tiết tố nam (1): Về mặt lâm sàng cường androgen thường biểu hiện qua các triệu chứng: xuất hiện nhiều hơn các sợi lông/tóc trưởng thành (terminal hair) phân bố theo kiểu hình nam (vùng hàm, bụng, mu, ngực …), mụn, và rụng tóc kiểu nam giới. 

Đánh giá chứng rậm lông ở nữ giới có thể thực hiện theo thang điểm Ferriman – Gallwey 1961 (11 vùng) và các biến thể (9 hay 3 vùng). Việc áp dụng bảng điểm này ở phụ nữ châu Á còn nhiều tranh cãi. Đánh giá cường androgen trên cận lâm sàng được thực hiện bằng các xét nghiệm đánh giá nồng độ androgen huyết thanh – trong đó phổ biến nhất là xét nghiệm nồng độ testosterone tự do. 

Rối loạn chu kỳ kinh – rối loạn rụng trứng (2): Biểu hiện tính rối loạn chu kỳ trong PCOS thường đặc trưng bởi kinh nguyệt thưa hoặc vô kinh, một số trường hợp diễn biến bắt đầu kể từ thời kì dậy thì và tính chu kỳ của kinh nguyệt chưa bao giờ được thiết lập. Về sau khi bệnh nhân càng lớn tuổi thì hiện tượng rối loạn này càng giảm và càng có nhiều chu kỳ có hiện tượng rụng trứng. Chẩn đoán không rụng trứng trên lâm sàng khi vòng kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, nồng độ progesterone giữa pha hoàng thể thường nhỏ hơn 3-4 ng/ml. 

Hình thái đa nang buồng trứng (PCOM) (3): Theo đồng thuận Rotterdam 2003, hình thái đa nang là khi có ít nhất một buồng trứng có 12 hoặc nhiều hơn các nang kích thước 2-9mm (không quan trọng vị trí và ngày chu kỳ), thể tích > 10ml. Gần đây theo nghiên cứu của tác giả Adams và cộng sự, sử dụng tiêu chuẩn 8 nang với kích thước từ 2-8mm cũng cho giá trị chẩn đoán tương tự. Đồng thuận thế giới 2018 đưa ra tiêu chuẩn AFC > 20 với đầu dò âm đạo có dải tần 8 MHz.

Hình ảnh hội chứng buồng trứng đa nang (PCOM) trên siêu âm

Khi được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, các bác sĩ sẽ tuỳ số lượng các tiêu chí mà bệnh nhân có để chia về các thể kiểu hình khác nhau. Với từng kiểu hình này, bạn sẽ được các bác sĩ đưa ra hướng tiếp cận và xử lí tối ưu cho tình hình của mình. 

Chẩn đoán PCOS không phức tạp, tuy nhiên để đánh giá chính xác mức độ và dạng bệnh của mình, bạn cần tới những chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về bệnh. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc phải các biểu hiện của Hội chứng buồng trứng đa nang, hãy tới Trung tâm Y học sinh sản và Hiếm muộn của chúng tôi để được giải đáp các thắc mắc và xây dựng cho mình chế độ sinh hoạt và chiến lược tối ưu để quản lý tình trạng của mình. 

Tham khảo:

Ăn gì tốt cho buồng trứng

Nhận biết u nang buồng trứng ác tính

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpagehttps://www.facebook.com/ivfhongngoc2022

Bài viết liên quan