Tác giả: Bác sĩ lâm sàng IVF Hồng Ngọc – Nguyễn Hồng Hạnh
U nang buồng trứng là căn bệnh tương đối phổ biến ở nữ giới. Thông thường, u nang buồng trứng đều ở thể lành tính và không gây quá nhiều nguy hiểm cho tính mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u nang buồng trứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Bệnh lý u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những khối có vỏ bọc ngoài, bên trong chứa dịch nằm trong buồng trứng, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. U nang buồng trứng có thể gây rối loạn kinh nguyệt, khó chịu tại chỗ, làm giảm chức năng sinh sản, đôi khi gây suy nhược cơ thể hoặc có thể gây tử vong do các biến chứng: xoắn nang, vỡ nang, tiến triển thành ung thư…
Phân loại u nang buồng trứng
U nang buồng trứng được phân thành hai loại: u nang cơ năng và u nang thực thể.
U nang cơ năng
Nang bọc noãn
Nang bọc noãn do nang de Graff không vỡ vào ngày quy định, lớn dần lên, thường có kích thước dao động từ 3-8 cm hoặc lớn hơn.
Triệu chứng: loại u nang này thường không có biểu hiện rõ ràng, đôi khi có ra máu, nang to có thể gây đau vùng tiểu khung, đau khi giao hợp và có thể gây ra chu kỳ kinh dài hoặc ngắn. Nang có thể bị xoắn hoặc vỡ dẫn đến bệnh nhân phải cấp cứu khẩn cấp.
Điều trị: Nang thường tự biến mất trong vòng 60 ngày mà không cần điều trị. Nếu nang tồn tại trên 60 ngày với chu kì kinh đều thì có khả năng không phải nang cơ năng.
U nang hoàng thể
Có 2 loại nang hoàng thể: nang tế bào hạt và nang tế bào vỏ.
Nang hoàng thể tế bào hạt: là nang cơ năng, gặp sau phóng noãn, các tế bào hạt trở nên hoàng thể hóa. Triệu chứng phổ biến thường là gây đau vùng chậu, gây vô kinh hoặc chậm kinh. Bên cạnh đó, biểu hiện của nang hoàng thể tế bào hạt dễ nhầm với chửa ngoài tử cung và có thể xảy ra hiện tượng xoắn nang, vỡ nang phải nội soi ổ bụng hoặc mở bụng cầm máu.
Nang hoàng thể tế bào vỏ: loại nang này không to, hay gặp hai bên buồng trứng, dịch trong nang thường có màu vàng rơm. Loại nang này thường gặp trong chửa trứng, chorio… Nang thường biến mất sau điều trị như nạo trứng, điều trị chorio…
Nang hoàng thể trong thai nghén: Là những nang gặp trong khi có thai, có thể xuất hiện ở cả hai bên buồng trứng, kích thước khoảng < 5 cm.
U nang buồng trứng thực thể
U nang biểu mô buồng trứng: Chiếm 60-80% tất cả các loại u nang gồm: u nang nước, u nang nhầy, lạc nội mạc tử cung…
U nang nước
Là loại u có vỏ mỏng, cuống thường dài, chứa dịch bên trong. Kích thước của u thường to, có khi choán hết cả ổ bụng và thường là khối u lành tính, có thể có nhú ở mặt trong hoặc mặt ngoài vỏ nang. Những khối u lành tính thường có vỏ nhẵn, chứa dịch vàng nhạt. Nếu có nhú thường là ác tính.
Đối với loại u nang nước thì triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay phát hiện ở tuổi 20-30, cũng có thể gặp ở độ tuổi tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh…
Chẩn đoán phát hiện khối u bằng cách khám vùng tiểu khung và hướng điều trị là mổ cắt bỏ nang.
U nang nhầy
Là loại u chiếm khoảng 10-20% các loại khối u biểu mô, khoảng 85% u nang nhầy lành tính, thường gặp ở phụ nữ tuổi 30-50.
U nang nhầy vỏ mỏng và nhẵn, ít khi có nhú. U nang thường nhiều thùy ngăn cách bởi vách ngăn, trong chứa dịch nhầy màu vàng, kích thước thường to nhất trong các u buồng trứng. Phương pháp điều trị thích hợp nhất là tiến hành mổ cắt bỏ u nang.
Lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng
Triệu chứng thường đau vùng hạ vị, đau bụng khi hành kinh, đau khi giao hợp. Bệnh thường được phát hiện khi khám tiểu khung và nội soi ổ bụng.
U nang bì (Dermoid cyst)
Chiếm tỷ lệ 25% khối u buồng trứng hay gặp là teratome, khối u chứa tổ chức phát sinh từ tế bào mâm. Trong nang chứa các tổ chức như răng, tóc, bã đậu…U nang bì thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng thành ác tính. Loại u này thường được phát hiện ở lứa tuổi 20-30 và khoảng 20% phát hiện cả 2 bên buồng trứng.
U nang bì thường ít triệu chứng và được phát hiện khi mổ lấy thai hoặc chụp X Quang thấy răng trong khối u. Điều trị phẫu thuật là phương pháp tối ưu. Nếu nang nhỏ nên cắt bỏ phần u để lại phần buồng trứng lành.
Biến chứng của u nang buồng trứng
Đối với các khối u nang buồng trứng nếu không được xử trí sẽ lớn dần lên, gây chèn ép các nội tạng trong ổ bụng, nguy hiểm hơn có thể bị xoắn hoặc ung thư hóa.
Biến chứng thường gặp:
- Xoắn nang: có biểu hiện đau đột ngột, dữ dội, vã mồ hôi, choáng, nôn. Phương pháp điều trị duy nhất là phải mổ cấp cứu.
- Vỡ nang: thường xảy ra sau khi nang bị xoắn hoặc sau chấn thương vùng bụng dưới.
- Chèn ép tiểu khung: khối u đè vào trực tràng, bàng quang.
Trường hợp mang thai kèm u nang buồng trứng:
U nang buồng trứng được chẩn đoán qua quá trình khám thai định kỳ hoặc siêu âm. Loại u nang có thể gặp thường là nang hoàng thể hay u nang bì và thường là nang lành tính, ít khi gặp nang ác tính.
Nên tiến hành mổ loại bỏ u nang vào thời gian sau 13 tuần vì lúc này rau thai đã tiết ra đủ hormon để nuôi dưỡng thai. Nếu là nang hoàng thể thì có áp dụng các biện pháp giúp giảm kích thước hoặc ngăn chặn sự phát triển của u nang để không cần phải thực hiện phẫu thuật.
Nếu u phát triển to lên trong 3 tháng giữa thai kì thì nên tiến hành mổ ngay, trừ khi phát hiện trong thời kỳ cuối thai nghén.
Nguyên tắc điều trị u nang buồng trứng
Phương pháp điều trị u nang buồng trứng hiệu quả nhất chính là tiến hành mổ cắt bỏ khối u từ sớm. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng loại u nang mà sẽ có những nguyên tắc điều trị riêng, cụ thể:
- Nang nước ở người lớn tuổi nên cắt cả hai bên buồng trứng.
- Nang nhày nên cắt cả hai bên buồng trứng để tránh tái phát.
- Nang bì cắt bỏ khối u cố gắng bảo tồn nhu mô lành.
- Nếu nang buồng trứng 2 bên ở người trẻ tuổi cần bảo tồn bên lành.
- Nang ở người có thai nếu có chỉ định giữ thai nên bóc nang vào tháng thứ 4.
- U nang to có dấu hiệu nứt vỡ cần sinh thiết tức thì đề phòng ung thư.
- U nang ở người già tránh làm giảm áp lực ổ bụng.
- Nếu các u nang phát triển trong đáy dây chằng rộng, cần tiến hành bóc tách cẩn thận đề phòng chạm niệu quản, ruột và bàng quang.
Ảnh hưởng của u nang buồng trứng đến sức khỏe sinh sản
Hầu hết các dạng u nang buồng trứng đều lành tính. Nếu u nang buồng trứng là dạng u nang thực thể và phát triển lớn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, cụ thể là giảm khả năng thụ thai cũng như gây vô sinh.
Khi u nang phát triển lớn hơn sẽ chèn ép phần tế bào lành còn lại làm cho nang noãn không thể phát triển và cản trở quá trình rụng trứng để thụ thai.
Trong trường hợp, khối u phát triển quá lớn ở cả buồng trứng và không còn nhu mô lành thì người bệnh sẽ mất khả năng sinh sản.
Ngoài ra, các biến chứng xoắn nang, vỡ nang, ung thư hóa…ảnh hưởng không nhỏ tới mong muốn mang thai của người bệnh.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Chị em phụ nữ nên chủ động đi khám phụ khoa 6 tháng/lần hoặc ít nhất 1 năm/lần để phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể, để đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Bên cạnh việc khám phụ khoa thì chị em phụ nữ cần chú ý tới những biến đổi bất thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyêt hay những triệu chứng đau vùng hạ vị và cần thông báo với bác sĩ sớm về những triệu chứng để có chẩn đoán chính xác cùng hướng điều trị phù hợp nhất.
U nang buồng trứng đa phần đều ở thể lành tính. Tuy nhiên, chị em phụ nữ không nên quá chủ quan vì u nang có thể diễn tiến khó lường gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản. Vậy nên cần tiến hành theo dõi những thay đổi của cơ thể để hạn chế tối đa những biến chứng xấu xảy ra.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Cơ sở 1:
Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014
Cơ sở 2:
Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022
Xem thêm các bài viết khác:
BỆNH HUYẾT KHỐI: NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY RA SẨY THAI LIÊN TIẾP