Tiêm phòng covid-19 và các vấn đề liên quan đến hỗ trợ sinh sản

Tác giả: Bác sĩ Thuỳ Dương – Trưởng lâm sàng Trung tâm HTSS IVF Hồng Ngọc

(Dịch từ khuyến cáo của nhóm chuyên về COVID-19 của ESRHE – Hiệp hội sinh sản và phôi học người ở Châu Âu. Công bố lần đầu vào ngày 12/01/2021. Lần cập nhật cuối vào ngày 08/06/2021)

Bản cập nhật này bao gồm thông tin các loại vắc-xin hiện có, lời khuyên về tiêm chủng trước khi điều trị hỗ trợ sinh sản, xem xét các loại vắc-xin khác nhau. Lời khuyên về tiêm phòng khi mang thai được điều chỉnh phù hợp với kiến ​​thức hiện tại. Các thông tin được cập nhật bao gồm:

  • Căn cứ theo các vắc xin và các dạng vắc xin khác nhau, khuyến cáo nên tham khảo hướng dẫn quốc gia và quốc tế về tiêm chủng cho các nhóm tuổi và nhóm nguy cơ khác nhau, ở nam giới và phụ nữ có thai.
  • Ở nam giới và phụ nữ được tiêm vắc-xin, nên hoãn các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản ít nhất một vài ngày sau khi hoàn thành việc tiêm chủng. Cách tiếp cận thận trọng hơn đã bị loại bỏ.
  • Dữ liệu được báo cáo hiện tại không chỉ ra tác động tiêu cực của việc tiêm chủng COVID-19 xung quanh thời điểm mang thai, mặc dù số lượng quan sát còn hạn chế. Phụ nữ mang thai nên được tiêm chủng.

Các loại vắc-xin COVID-19 phổ biến hiện nay

Có nhiều loại vắc xin COVID-19 khác nhau đang được phát triển (mRNA, tiểu đơn vị protein và vi rút vector) và ở các giai đoạn phê duyệt khác nhau ở châu Âu. Tại thời điểm hiện tại, vắc-xin mRNA COVID19 (Comirnaty của Pfizer / BioNTech và COVID-19 Vaccine Moderna) và vắc-xin véc tơ vi rút (COVID-19 Vaccine AstraZeneca, COVID-19 Vaccine Janssen) đã được chấp thuận sử dụng tại EU, sau khi đánh giá bởi Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) và được sự ủy quyền của Ủy ban Châu Âu.

tiêm phòng covid-19

Ở các nước thành viên EU, vắc-xin COVID-19 được sử dụng từ ngày 27/12/2020. Ở các nước khác, chẳng hạn như Anh và Mỹ, vắc xin cũng đã được phê duyệt và các chương trình tiêm chủng đã được thực hiện.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã khuyến cáo các chiến lược tiêm chủng quốc gia dựa trên việc ưu tiên các nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng cũng như những người có nguy cơ tiếp xúc và lây truyền SARS-CoV-2 cao hơn (ví dụ: trong các cơ sở y tế ).

Tiêm phòng covid-19 và các vấn đề liên quan đến hỗ trợ sinh sản

Tổng quan của ECDC về các kế hoạch tiêm chủng của EU chỉ ra rằng nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong đó một số người có thể mang thai hoặc lên kế hoạch mang thai với điều trị điều trị hỗ trợ sinh sản, sẽ được đưa vào các chương trình tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ này này dựa trên nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và /hoặc các đối tượng chuyên môn mà họ tiếp xúc.

Mặc dù theo nguyên tắc chung, tất cả các vắc-xin bất hoạt và vắc xin dựa trên độc tố đều được coi là an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai, việc những người trong độ tuổi sinh sản tiếp cận với chương trình tiêm chủng COVID-19 đặt ra những câu hỏi cụ thể:

– Có nên tiêm vắc-xin COVID-19 cho đàn ông và phụ nữ trước khi cố gắng thụ thai?

– Các cặp vợ chồng đã tiêm vắc-xin COVID-19 có nên hoãn thụ thai không, và nếu có thì trong bao lâu?

– Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng không?

ESHRE khẳng định lại khuyến nghị trước đó của mình về việc tăng cường tư vấn và cung cấp thông tin cho bệnh nhân đang có kế hoạch mang thai hoặc đã mang thai. Bao gồm kiến ​​thức sẵn có về COVID-19 trong khi mang thai và cách giảm nguy cơ nhiễm vi rút trước và trong khi mang thai, cũng như thông tin về tiêm chủng COVID-19. Bệnh nhân bắt đầu điều trị hiếm muộn nên được thông báo rằng khi họ được lời mời tiêm chủng, họ nên liên hệ với trung tâm hỗ trợ sinh sản của họ để thảo luận về thời gian tiêm chủng và cách điều trị của họ.

Đàn ông và phụ nữ có nên chủng ngừa COVID-19 trước khi cố gắng thụ thai không?

Hiện tại vẫn còn thiếu thông tin về tác dụng có thể có của việc tiêm vắc xin COVID-19 đối với điều trị hỗ trợ sinh sản hoặc thai kỳ trong tương lai. Thông tin về sản phẩm của bốn nhà sản xuất vắc-xin được cấp phép tại châu Âu có nêu rõ rằng các nghiên cứu trên động vật “không cho thấy bất kỳ tác dụng có hại nào trong thai kỳ”. Tuy nhiên, các dữ liệu thông tin trong thời kỳ mang thai được báo cáo là “rất hạn chế”, và không có dữ liệu về đối tượng đang cho con bú.

Vì việc tiêm phòng được khuyến khích mạnh mẽ đối với những người không mang thai và xem xét dữ liệu an toàn về những ảnh hưởng có thể có của việc tiêm phòng đối với sinh sản, ESHRE cho rằng nam giới và phụ nữ đang cố gắng thụ thai thông qua hỗ trợ sinh sản nên tiêm vắc xin trước khi bắt đầu điều trị.

Ở những phụ nữ mắc các bệnh mà khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 và / hoặc có nguy cơ mắc các  biến chứng thai kỳ cao hơn, nên cân nhắc việc khuyến khích tiêm phòng trước khi cố gắng thụ thai. Điều tương tự cũng áp dụng cho những phụ nữ có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao và không thể tránh khỏi.

ESHRE khuyến cáo rằng nam giới và phụ nữ sống ở các quốc gia không có sẵn vắc-xin hoặc không chọn chủng ngừa sẽ không bị ngăn cản tiếp cận với các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản.

ESHRE thừa nhận rằng dữ liệu về các vắc xin và dạng vắc xin khác nhau đang liên tục xuất hiện, điều này sẽ làm cho các khuyến cáo về mỗi loại vắc xin ngày càng thích hợp. ESHRE khuyến cáo nên tham khảo hướng dẫn quốc gia và quốc tế về tiêm chủng ở các độ tuổi và nhóm nguy cơ khác nhau, áp dụng cho nam giới và phụ nữ có dự định mang thai.

Các cặp vợ chồng đã tiêm vắc xin COVID-19 có nên hoãn thụ thai không, và nếu có, thì trong bao lâu?

Có nhiều quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải hoãn thụ thai sau khi tiêm vắc xin. Nên hoãn việc bắt đầu các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản (lấy tinh trùng, kích thích buồng trứng, chuyển phôi) ít nhất vài ngày sau khi hoàn thành việc tiêm phòng (tức là sau liều thứ hai) để có thời gian đáp ứng miễn dịch ổn định.

Không nên bắt đầu điều trị hỗ trợ sinh sản ở những phụ nữ đã gặp phải bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào do tiêm chủng COVID-19 (chẳng hạn như phản ứng dị ứng) và cho đến khi họ được bác sĩ cho là phù hợp để mang thai.

Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng không?

Như đã nêu trong các tuyên bố trước đây của ESHRE, bệnh nhân mang thai với COVID-19 có nguy cơ bị bệnh nặng hơn so với những bệnh nhân không mang thai. Vắc xin chống lại các bệnh, chẳng hạn như uốn ván, ho gà và cúm, đã được mô tả là an toàn trong thời kỳ mang thai.

>>> Tìm hiểu thêm Mang thai mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn?

Đối với tất cả các loại vắc-xin hiện được ủy quyền, EMA tuyên bố rằng quyết định có sử dụng vắc xin cho phụ nữ mang thai nên được thực hiện với sự tham vấn chặt chẽ của chuyên gia chăm sóc sức khỏe sau khi cân nhắc lợi ích và rủi ro của từng cá nhân.

Dữ liệu được báo cáo hiện tại không chỉ ra tác động tiêu cực của việc tiêm chủng COVID-19 trong giai đoạn xung quanh thời điểm thụ thai, mặc dù số lượng quan sát còn hạn chế. Phụ nữ mang thai nên được tiêm chủng.

Tiêm phòng cho nhân viên y tế?

Việc tiêm phòng cho nhân viên y tế nhằm mục đích bảo vệ họ và giúp giảm nguy cơ lây truyền. Nhân viên phòng khám hiếm muộn là nhân viên y tế và do đó cần được ưu tiên tiêm chủng dựa trên rủi ro và lợi ích của từng cá nhân.

Tóm tắt các khuyến cáo và cân nhắc

  • ESHRE khuyến cáo rằng nam giới và phụ nữ nên được tiếp cận với các điều trị sinh sản, việc tiếp cận đó không nên phụ thuộc vào sự sẵn có của vắc-xin COVID-19 hoặc vào quyết định của từng bệnh nhân về việc tiêm chủng.
  • Ở những người đàn ông và phụ nữ được tiêm vắc-xin, nên trì hoãn các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản ít nhất vài ngày sau khi hoàn thành việc tiêm chủng.
  • Hiện không có thông tin về vai trò của tiêm chủng đối với bệnh nhân và nhân viên đã mắc bệnh COVID-19 và có thể đã phát triển khả năng miễn dịch.
  • ESHRE khuyến nghị theo dõi kết quả của các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản và so sánh chúng ở những bệnh nhân được tiêm chủng và không được tiêm chủng.
  • ESHRE kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 chia sẻ bất kỳ thông tin liên quan và lời khuyên về việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai và các cặp vợ chồng dự định mang thai.
  • Ở giai đoạn này, không có thông tin về sự an toàn của các loại vắc-xin khác nhau trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản hoặc mang thai, và không thể đưa ra khuyến nghị về loại vắc-xin nào là an toàn nhất cho nam giới và phụ nữ muốn mang thai.

>>> ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:

    Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

    Add: Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

    Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

    Tel: +(84-24) 3927 5568 ext 6820/6825

    Email: arthongngoc@hongngochospital.vn