Tăng Prolactin trong máu và nguy cơ vô sinh

Tác giả: Bác sĩ lâm sàng Trung tâm IVF Hồng Ngọc Vũ Viết Hoàng

Tăng prolactin máu là một bệnh lý nội tiết thường gặp và cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây vô sinh cho nữ giới. Prolactin là một hormone có vai trò quan trọng đối với tạo sữa, chuyển hoá và đặc biệt là chức năng sinh sản của người phụ nữ.

Thế nào là tăng prolactin máu?

Ở mỗi giai đoạn của người phụ nữ thì nồng độ prolactin cũng sẽ có sự thay đổi nhất định.

Nồng độ prolactin tiêu chuẩn:

– Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành: 127 – 637 µIU/mL

– Phụ nữ khi mang thai: 200 – 4500 µIU/mL

– Giai đoạn mãn kinh: 30 – 430 µIU/mL

Prolactin - hormone quan trọng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ
Prolactin – hormone quan trọng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ

Hiện tượng tăng prolactin máu xảy ra do rối loạn trục dưới đồi – tuyến yên.  Tình trạng này được xác định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân gây tăng prolactin trong máu

Theo các chuyên gia thì các nguyên nhân chính khiến lượng prolactin tăng trong cơ thể là do các vấn đề về sinh lý, bệnh lý hay do tác động của một số loại thuốc.

Sinh lý

Trong một số hoạt động như: sau bữa ăn nhiều thịt, sau giao hợp, kích thích núm vú, sau tập thể dục hoặc khi bị căng thẳng (stress) cũng có thể kích thích lượng prolactin tăng lên cao.

– Phụ nữ trong giai đoạn mang thai: nguyên nhân chính khiến prolactin tăng trong thời kỳ này là do nồng độ estradiol huyết thanh trong thai kỳ tăng. Chỉ sau khi sinh khoảng 6 tuần thì hàm lượng prolactin mới có thể trở lại bình thường.

prolactin
Giai đoạn cho con bú: việc kích thích núm vú khi cho con bú cũng có thể làm tăng nồng độ prolactin trong máu

– Giai đoạn cho con bú: việc kích thích núm vú khi cho con bú cũng có thể làm tăng nồng độ prolactin trong máu.

– Ngoài ra, prolactin có tính chất nhịp điệu rõ rệt, vậy nên có thể tăng trong lúc ngủ.

Bệnh lý

Một số bệnh lý khi mắc phải cũng có khả năng làm gia tăng nồng độ prolactin trong máu như:

– Tại hạ đồi: viêm não, bệnh u hạt, ung thư, hố yên rỗng

– Tại tuyến yên: prolactinoma (u tuyến yên làm gia tăng việc bài tiết prolactin) gồm microprolactinoma (u < 10mm) và macroprolactinoma (u >= 10mm)

– Suy thận: giảm thoái hoá, giảm thanh thải prolactin

– Nhược giáp: gây tăng sinh tuyến yên

– Xơ gan: bệnh lí não gan gây tổn thương các vùng sản xuất dopamine ở hạ đồi

– Estradiol: gây phì đại và tăng sản tế bào lactotrope (sản xuất PRL), phản hồi âm lên dopamine neuron vùng hạ đồi (làm giảm dopamine là chất ức chế sản xuất prolactin).

Một số thuốc

Trong thành phần của một số loại thuốc có tác dụng phụ cũng làm tăng hàm lượng prolactin trong máu như:

– Ức chế tâm thần: phenothiazine, risperidone

– Ức chế thụ thể H2: cimetidin

– Chống nôn: metoclopramid

– Thuốc có á phiện: codein, morphin

– Thuốc ngừa thai có estrogen

Ảnh hưởng của tăng prolactin máu lên chức năng sinh sản của phụ nữ

Việc tăng nồng độ prolactin sẽ ngăn cản hoặc ức chế nhịp tiết GnRH bình thường, ngoài ra còn tăng hoạt tính dopaminergic tại vùng hạ đồi dẫn đến nồng độ FSH (hormon kích thích nang trứng phát triển) và LH (hormone gây rụng trứng và hỗ trợ hoàng thể) ở mức thấp hoặc không đủ hiệu quả. Từ đó gây nên rối loạn rụng trứng, không rụng trứng, rối loạn chu kì kinh nguyệt, vô kinh hay nguy hiểm hơn là suy sinh dục.

Chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Chẩn đoán

– Xét nghiệm máu để xác định nồng độ prolactin. Do prolactin thường tăng lên vào ban đêm và giảm lại từ 6-8 giờ sáng nên mẫu máu thường được lấy trong khoảng 10-12 giờ sáng. Bệnh nhân không cần nhịn ăn mà có thể ăn uống nhẹ nhàng và nghỉ ngơi một lát trước khi lấy máu.

Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp để kiểm tra nồng độ prolactin
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp để kiểm tra nồng độ prolactin

– Chẩn đoán hình ảnh (XQ, CT, MRI): sử dụng cho những bệnh nhân có biểu hiện tăng PRL trên lâm sàng (giảm thị lực, thị trường…) hoặc các dấu hiệu khối u choán chỗ.

Điều trị

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây tăng prolactin máu mà các bác sĩ sẽ đưa ra các hướng điều trị khác nhau.

– Điều trị nội khoa: đây là phương pháp thường được các bác sĩ lựa chọn đầu tiên với các thuốc thường được sử dụng là chất đồng vận dopamin như bromocriptine (Parlodel), cabergoline (Dotinex), pergoline mesylate, quinagoline.

– Phẫu thuật cắt bỏ khối u chỉ định khi:

+ Đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa

+ Bệnh nhân có biểu hiện giảm thị lực, thị trường hoặc các dấu hiệu khối u choán chỗ nặng nề.

Tăng prolactin máu là một bệnh lí thường gặp trên lâm sàng, có thể gây vô sinh cho cả hai giới, đặc biệt là nữ giới. Khoảng 30% nữ giới trong độ tuổi sinh sản có hai bên buồng trứng bình thường mà gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt do tăng hàm lượng prolactin trong máu. Bệnh gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và hay gặp nhất là u tuyến yên tăng tiết prolactin, rối loạn điều hoà nội tiết của cơ thể.

Chúng ta có thể chẩn đoán bệnh dễ dàng qua các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh (XQ, CT, MRI) nhưng để tìm được nguyên nhân và điều trị hiệu quả thì không đơn giản bởi cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa sâu khác nhau như sản phụ khoa, chẩn đoán hình ảnh, nội tiết, ngoại khoa…

Vì vậy khi muốn kiểm tra hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, thăm khám và điều trị hiệu quả.

>> ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpagehttps://www.facebook.com/ivfhongngoc2022

Xem thêm các bài viết khác:

Bệnh lý tuyến giáp có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản không?

Chuyên gia viết: Làm thế nào để có thai khi kinh nguyệt không đều?

Căng thẳng tâm lý và vô sinh hiếm muộn