Tác giả: Bác sĩ Lê Duy Thảo, Bác sĩ lâm sàng IVF Hồng Ngọc
Stress ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm được câu trả lời.
Trầm cảm và vô sinh là 2 khía cạnh bệnh lý ở hai chuyên ngành dường như ít có sự liên quan với nhau. Tuy nhiên, liệu điều đó có đúng, khi mà tỷ lệ bị trầm cảm trên bệnh nhân vô sinh tương đối cao có thể lên đến 54%. Ở chiều hướng ngược lại thì tác động của trầm cảm đến khả năng sinh sản thì chưa thực sự rõ ràng, song có nghiên cứu gần đây cho thấy sự cải thiện đáng kể tỷ lệ mang thai sau những điều trị can thiệp tâm lý. Vậy bản chất mối quan hệ giữa trầm cảm và vô sinh là gì?
Vô sinh thường là cuộc đấu tranh thầm lặng. Các thống kê cho thấy có khoảng 12% cặp vợ chồng gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Mặc dù tỷ lệ vô sinh lớn song phụ nữ thường ít khi chia sẻ câu chuyện của họ. Họ phải đấu tranh với cảm giác chán nản, lo lắng, cô đơn và mất kiểm soát. Không có khả năng sinh sản tự nhiên có thể gây ra cảm giác xấu hổ, mặc cảm, tự ti.
Những cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và làm giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân cần được hỗ trợ sinh sản có nguy cơ bị rối loạn tâm thần đáng kể. Điều quan trọng là phải nhận biết, thừa nhận và hỗ trợ bệnh nhân đương đầu với bệnh lý và điều trị vô sinh.
Trầm cảm được chẩn đoán như thế nào?
Theo DSM-5, bệnh nhân có thể được chẩn đoán trầm cảm khi họ có năm hoặc nhiều triệu chứng sau trong vòng 2 tuần gần đây (hai triệu chứng bắt buộc là khí sắc giảm và mất hứng thú):
– Khí sắc giảm, tâm trạng chán nản trong hầu hết các ngày trong hầu hết các ngày.
– Mất hứng thú với hầu hết các hoạt động, ngay cả những sở thích cũ.
– Giảm cân hoặc tăng cân không phải do ăn kiêng có chủ ý.
– Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
– Kích động về vận động hoặc chậm chạp hầu hết thời gian trong ngày.
– Mệt mỏi, mất năng lượng hầu hết thời gian trong ngày.
– Cảm thấy mình vô giá trị hoặc có tội lỗi.
– Khó tập trung suy nghĩ hoặc khó ra quyết định.
– Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc có hành vi tự tử.
Dù vậy, một vấn đề lớn là đánh giá chính xác mức độ trầm cảm của người phụ nữ bởi đây là vấn đề khá nhạy cảm và họ thường ít chia sẻ với mọi người. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tỷ lệ trầm cảm trên nhóm bệnh nhân vô sinh có thể lên đến 35 đến 76%. Một vấn đề đáng lo ngại là trong 106 phụ nữ điều trị hiếm muộn được khảo sát thì có đến 9,6% có ý nghĩ hoặc cố gắng tự tử. Đây là tỷ lệ cao hơn đáng kể so với quần thể những bệnh nhân không có vấn đề về khả năng sinh sản.
Mối quan hệ giữa trầm cảm và vô sinh
Mối quan hệ giữa trầm cảm và vô sinh được biểu lộ qua nhiều giai đoạn và dưới nhiều góc độ khác nhau.
Như đã phân tích ở trên, bản thân hiếm muộn đã là nguyên nhân gây nên các vấn đề tâm lý cho bệnh nhân. Cùng với đó việc sử dụng các loại thuốc điều trị vô sinh bao gồm clomiphene, leuprolide, gonadotropin có liên quan đến các triệu chứng tâm lý như lo lắng, trầm cảm và khó chịu. Do đó khi đánh giá rất khó có thể phân biệt các triệu chứng tâm lý do vô sinh hay do các tác dụng phụ của thuốc.
Vậy nên cần đánh giá các triệu chứng cũng như sự thay đổi của chúng trước trong và sau khi dùng thuốc. Ngoài ra, việc dùng thuốc cũng có thể làm tăng các triệu chứng trầm cảm, dẫn đến tình trạng bỏ trị do căng thẳng tâm lý. Từ đó có thể thấy việc đánh giá đúng tình trạng tâm lý, quan trọng là cần có những tư vấn và điều trị phối hợp trên từng bệnh nhân cụ thể.
Ngoài tác động của thuốc đến tâm lý bệnh nhân thì một yếu tố quan trọng khác chính là kết quả điều trị. Mặc dù là một quá trình tiên tiến hiện đại, tuy nhiên các biện pháp hỗ trợ sinh sản đều mang trong mình rủi ro thất bại tương đối cao. Nếu bạn may mắn thành công ngày trong chu kỳ đầu tiên thì mọi thứ thật tốt đẹp. Tuy nhiên với những trường hợp không may mắn như vậy có thể tàn phá tinh thần của hộ vô cùng kinh khủng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ và mức độ trầm cảm tỷ lệ thuận với số lần thất bại IVF trước đây. Ngoài ra, có 10 đến 25% thai kỳ kết thúc với không em bé nào được sinh. Đây chính là nguyên nhân gây ra tổn thương tâm lý sau chấn thương mà tiêu biểu nhất là trầm cảm.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sảy thai nhưng chiếm phần lớn trong số đó là bất thường nhiễm sắc thể thai nhi. Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ thì chúng ta có thể sàng lọc tiền làm tổ (PGT-A) giúp chọn những phôi không có bất thường nhiễm sắc thể để làm tăng tỷ lệ đậu thai. Song việc này đi cùng với rủi ro có thể không có phôi khỏe mạnh để chuyển và đây cũng chính là một sang chấn tâm lý nặng nề. Thậm chí trong trường hợp có phôi khỏe mạnh thì quá trình này có thể làm kéo dài thời gian chờ đợi bệnh nhân lên 1 đến 2 tháng, do đó cũng làm tăng nguy cơ căng thẳng tâm lý lên bệnh nhân.
Một trong những yếu tố luôn gây tranh cãi trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản là tác động của tâm lý có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả điều trị. Việc khảo sát mối quan hệ này gặp phải nhiều khó khăn do mọi tiêu chuẩn chẩn đoán đều dựa vào lời khai chủ quan của bệnh nhân. Tuy nhiên đáng mừng là khi được điều trị tâm lý giúp làm gia tăng đáng kể tỷ lệ thành công trên nhóm bệnh nhân điều trị vô sinh. Do đó ta có thể khẳng định mối quan hệ giữa căng thẳng tâm lý và thất bại trong điều trị hiếm muộn. Việc can thiệp tâm lý cho phụ nữ vô sinh có khả năng làm giảm sự lo lắng trầm cảm và mang đến tỷ lệ mang thai cao hơn đáng kể.
Chẩn đoán vô sinh có thể là gánh nặng tâm lý to lớn cho bệnh nhân. Sự căng thẳng của bệnh nhân vô sinh là một vấn đề lớn. Tuy chưa có một yêu cầu chính thức về tư vấn tâm lý cho bệnh nhân vô sinh nhưng việc can thiệp tâm lý thực hành có tác dụng tốt trên nhóm bệnh nhân điều trị vô sinh và cần được chú trọng hơn nữa nếu muốn nâng cao chất lượng điều trị.
IVF Hồng Ngọc – không chỉ là địa chỉ tin cậy hỗ trợ sinh sản
Để tăng khả năng thụ thai, các cặp vợ chồng cần biết cách điều hoà cuộc sống, cân bằng công việc. Nên giảm bớt đi những căng thẳng nơi môi trường xã hội, cố gắng đừng mang theo áp lực về nhà.
Có một số cách để giúp giảm căng thẳng như:
– Tập thể dục: yoga, đi bộ thư giãn, nhảy…
– Ngủ đủ giấc
– Uống nhiều nước
– Ăn các bữa nhỏ thường xuyên
– Xông tinh dầu giúp lưu thông khí huyết
– Dành thời gian cho những hoạt động yêu thích: đọc sách, vẽ tranh…
Hiểu được tầm quan trọng của căng thẳng tâm lý trong điều trị vô sinh, hiện tại IVF Hồng Ngọc đã kết hợp khảo sát và tư vấn tâm lý miễn phí cho các bệnh nhân nữ đến thăm khám tại trung tâm, với mục tiêu tối ưu chất lượng điều trị cho từng bệnh nhân.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Cơ sở 1:
Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014
Cơ sở 2:
Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022
Xem thêm các bài viết khác tại đây:
Xét nghiệm di truyền không xâm lấn cho sàng lọc phôi
Chi phí cho một ca IVF năm 2019 tại Việt Nam là bao nhiêu?
13 câu hỏi kiểm chứng dấu hiệu vô sinh ở nữ giới
Những yếu tố quyết định thụ thai thành công