Trong các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ vô sinh đến từ nam giới chiếm khoảng 30-40% và trong đó không có tinh trùng chính là một trong những nguyên nhân chính. Vậy làm thế nào để những ông bố không có tinh trùng có thể tìm được niềm vui trong hành trình tìm con đầy khó khăn này.
Hiện tượng không có tinh trùng
Trong cơ quan sinh dục của nam giới, tinh hoàn giữ nhiệm vụ sản xuất tinh trùng. Sau khi được phân chia và biệt hóa từ tinh nguyên bào, tinh trùng sẽ di chuyển qua ống mào tinh và ống dẫn tinh, sau đó lưu giữ trong túi tinh trước khi phóng ra bên ngoài khi quan hệ tình dục.
Hiện tượng không có tinh trùng là khi không thể tìm được tinh trùng trong ít nhất 2 mẫu tinh dịch đồ liên tiếp, ngay cả khi đã thực hiện ly tâm thu căn. Mẫu tinh trùng của bệnh nhân sẽ được kết luận là Azoospermia. Khoảng 1% trong số nam giới mắc phải bệnh này và chiếm 15% nguyên nhân vô sinh ở nam giới.
Nguyên nhân của tình trạng không có tinh trùng
Nam giới có thể gặp vấn đề khiến tinh hoàn không thể tạo ra tinh trùng hoặc khiến tinh trùng không thể ra khỏi cơ thể. Đó cũng chính là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến căn bệnh này.
Tinh hoàn không tạo ra tinh trùng
Có nhiều yếu tố dẫn đến việc tinh hoàn không thể sản xuất ra tinh trùng, trong đó các căn bệnh về tinh hoàn gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh tinh. Cụ thể là:
– Bệnh suy tinh hoàn: biểu hiện của bệnh là tinh hoàn bị teo nhỏ lại. Đây là tình trạng các ống sinh tinh không có tế bào để tạo ra tinh trùng hoặc quá trình sản xuất bị gián đoạn không thể sản sinh tinh trùng.
– Ảnh hưởng của nội tiết: nội tiết tuyến yên ở não giữ vai trò kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng nhưng nếu thiếu hoặc không đủ nội tiết này, tinh hoàn cũng sẽ không sản xuất được tinh trùng.
Bên cạnh đó, giãn tĩnh mạch thừng tinh hay nhiễm trùng trong đường sinh sản gây ra viêm mào tinh hay viêm niệu đạo vẫn sản sinh ra tinh trùng, tuy nhiên chất lượng tinh trùng rất yếu.
Ngoài ra, các căn bệnh mắc từ khi còn nhỏ có thể gây biến chứng nặng nề như quai bị, sưng một hoặc cả hai tinh hoàn,… Chấn thương háng từ các vụ tai nạn và các yếu tố di truyền cũng là những yếu tố khiến tinh hoàn không thể sản sinh ra tinh trùng.
Tinh trùng được tạo ra nhưng không thể phóng ra ngoài
Đây là hiện tượng khi tinh hoàn của người đàn ông vẫn sản xuất ra tinh trùng bình thường nhưng không thể xuất ra ngoài khi quan hệ tình dục. Một vài nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là:
– Bệnh lý bẩm sinh không có ống dẫn tinh ở hai bên tinh hoàn (đây là ống nối từ tinh hoàn ra đến dương vật). Trường hợp này, tinh trùng vẫn được sản sinh nhưng không có đường để dẫn ra ngoài.
– Tắc ống dẫn tinh có thể do dị tật bẩm sinh hoặc hậu quả từ các căn bệnh nhiễm khuẩn hay bệnh xã hội như lậu, giang mai, kí sinh trùng,… hay biến chứng từ các cuộc phẫu thuật, các chấn thương vùng bẹn, bìu, vùng chậu khiến cho quá trình xuất tinh bị tắc lại.
– Xuất tinh ngược: đây là trường hợp khi tinh trùng đi ngược vào bàng quang thay vì ra khỏi dương vật. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những người đàn ông bị chấn thương cột sống phải phẫu thuật hoặc người mắc bệnh tiểu đường,…
Phương pháp điều trị bệnh không có tinh trùng để mang lại niềm vui có con
Đối với trường hợp ống dẫn tinh bị tắc thì các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nối hai đầu ống dẫn tinh lại với nhau hoặc nối ống vào mào tinh. Đặc biệt, những phẫu thuật này đã được thực hiện cách đây hơn 50 năm trên thế giới. Vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh đạt tỷ lệ thành công khá cao lên tới 70-90%. Có đến khoảng 30-60% các cặp vợ chồng sau đó đã có thai tự nhiên.
Tuy nhiên nếu phẫu thuật nối thất bại hoặc không thể nối vì ống dẫn tinh tắc nhiều đoạn thì bệnh nhân có thể có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Những trường hợp, nam giới không có ống dẫn tinh thì cũng bắt buộc phải áp dụng phương pháp này nếu muốn có con.
Khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đối với những bệnh nhân này, điểm đặc biệt chính là việc tinh trùng sẽ được hút ra từ trong mào tinh bằng kỹ thuật PESA hoặc mổ trích tinh trùng tinh hoàn bằng TESE. Tùy từng trường hợp người bệnh, các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thủ thuật phù hợp.
Phương pháp MESA – vi phẫu lấy tinh trùng ở mào tinh
MESA thường được chỉ định trong các trường hợp không có tinh trùng ở tinh dịch do nguyên nhân tắc nghẽn và việc phẫu thuật sửa chữa đoạn tắc không khả thi. Cách thực hiện là bộc lộ hai bên tinh hoàn rồi lấy tinh trùng bằng cách hút từ hai bên mào tinh. Thủ thuật có thể được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Thời gian thực hiện trong khoảng 30’ và sau 2 giờ nghỉ ngơi bệnh nhân có thể xuất viện.
Ưu điểm của MESA: Cho hiệu quả cao, có thể thu được tinh trùng trong 90% các trường hợp chọc (theo nghiên cứu của tác giả Gangrade 2013 trên Clinics), tinh trùng chọc có thể được trữ đông để dùng sau này. Các nghiên cứu phân tích tổng hợp meta-analysis đã cho thấy không có sự khác biệt trong các mẫu tinh trùng lấy từ tinh hoàn tươi và sau rã đông về tỉ lệ thụ tinh và làm tổ cũng như thai phát triển.
Phương pháp PESA – lấy tinh trùng bằng chọc mào tinh qua da
PESA cũng được chỉ định khi bệnh nhân không thể thực hiện các phẫu thuật sửa chữa đoạn tắc đường dẫn tinh. PESA là thủ thuật chọc qua da – khác với MESA là tinh hoàn và mào tinh không được bộc lộ hoàn toàn nên có khả năng sẽ gây tổn thương mào tinh và xơ hoá. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề đáng lo ngại ở những bệnh nhân này do không làm thay đổi tình trạng bệnh. Thủ thuật cũng được thực hiện dưới gây mê. Thời gian thực hiện trong khoảng 15’ và bệnh nhân sẽ được ra viện sau 2 giờ nghỉ ngơi.
Ưu điểm của PESA: Cho hiệu quả thu được tinh trùng cao, khoảng 80% số ca chọc PESA do tắc nghẽn đường dẫn tinh sẽ thu được tinh trùng (theo nghiên cứu của tác giả Yafi năm 2013 trên Urology và Gorgy năm 1998 trên A.R. review). Tinh trùng thu được từ MESA hay PESA mà có vận động bình thường thì tỷ lệ tổn thương vật liệu di truyền là dưới 1% và có hiệu quả hoàn toàn ngang với tinh trùng của người hiến (theo nghiên cứu của Ramos năm 2002). Trong trường hợp PESA hay MESA thất bại, cần cân nhắc tiến hành các thủ thuật chọc sinh thiết tinh hoàn hay vi phẫu tinh hoàn với tỉ lệ thành công thấp hơn và mức độ xâm lấn cao hơn.
Phương pháp TESE: Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn
Đây là phương pháp thụ tinh trùng bằng cách phẫu thuật trực tiếp tinh hoàn. Phương pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân có rối loạn quá trình sinh tinh do thu được tinh trùng nhiều hơn. Hơn nữa, một trong những ưu điểm của TESE là có thể trữ lạnh mẫu mô tinh hoàn để sử dụng sau này.
Phương pháp TESA: Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng chọc hút
Đây là phương pháp thụ tinh trùng bằng cách dùng kim đâm xuyên qua da vào mô tinh hoàn và hút tinh trùng ra.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho những bệnh nhân không có tinh trùng.
Bên cạnh việc thăm khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn cho những bệnh nhân không có tinh trùng thì người bệnh cũng cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống nhằm hỗ trợ việc điều trị tốt hơn. Đối với những nam giới không có tinh trùng thì nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, lycopen, vitamin và các khoáng chất cần thiết,…
Ví dụ như bổ sung kẽm bằng cách ăn nhiều hải sản, đặc biệt là hàu, còn lycopen được tìm thấy trong các loại quả chín như dưa hấu, nho, cà chua,…
Đặc biệt người bệnh cần tránh xa các chất kích thích như bia rượu, cà phê, không nên ăn đậu và các sản phẩm chế biến từ đậu, pho mát,…
Phòng tránh bệnh vô sinh không có tinh trùng
Ngay từ khi còn nhỏ nên cho các bé trai đi tiêm phòng đầy đủ các vacxin phòng quai bị vì quai bị là một trong những căn bệnh gây biến chứng nặng có thể làm teo cả hai tinh hoàn. Ngoài ra, các mũi tiêm chủng ngừa lao và tránh bệnh viêm niệu đạo vì tinh trùng lao và các vi khuẩn khác như lậu, Chlamydia có thể làm tắc hai ống dẫn tinh.
Xem thêm các bài viết về kiến thức IVF – Thụ tinh trong ống nghiệm: https://ivfhongngoc.com
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Add: Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Tel: +(84-24) 3927 5568 ext 6820/6825
Email: arthongngoc@hongngochospital.vn