Tác giả: Bác sĩ lâm sàng Nguyễn Bình Dương – Trung tâm HTSS IVF Hồng Ngọc
COVID-19 đang là đại dịch nguy hiểm nhất trên thế giới, tấn công sức khoẻ của mọi đối tượng từ trẻ em, người lớn cho đến người cao tuổi. Đặc biệt phụ nữ mang thai chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Mang thai có tăng khả năng mắc COVID – 19 không?
Mang thai không làm tăng khả năng mắc phải COVID-19, tuy nhiên nếu đã mắc thì bệnh có nguy cơ cao hơn.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ mang thai mắc COVID-19 và có triệu chứng thì bệnh biểu hiện nặng hơn những người cùng độ tuổi (Ellington 2020, Delahoy 2020, Khan 2021). Các số liệu hiện tại cho thấy so với nhóm chứng, nhóm phụ nữ mang thai có sự tăng cao tỉ lệ vào điều trị tích cực (ICU), thở máy, chạy ECMO, hay thậm chí tỉ lệ tử vong.
Chính vì lí do này, nhiều cơ quan phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC) của các quốc gia đã xếp nhóm đối tượng này vào nhóm “tăng nguy cơ” mắc COVID-19 nặng.
Khi so sánh với các trường hợp mang thai mắc COVID-19 không triệu chứng thì nhóm có triệu chứng cũng có thai kỳ bị COVID-19 ảnh hưởng nhiều hơn.
Các trường hợp bệnh nặng đến rất nặng gây tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ (tuy vậy các trường hợp vừa và nhẹ chưa cho thấy có tác động xấu tới thai kỳ) (theo Metz và cộng sự, 2021).
Các thai phụ mang trong mình bệnh lý nền như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, … cũng cho thấy tỉ lệ mắc phải COVID-19 với biểu hiện nặng cao hơn so với những người mang các bệnh lý này mà không mang thai (theo Ellington 2020, Panagiotakopoulos 2020, Knight 2020, Galang 2021).
Tuy mang thai làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy đại đa số các ca mang thai sẽ có triệu chứng COVID-19 ở mức tương đối nhẹ. Dữ liệu về sự tăng tỉ lệ mổ lấy thai hiện tại cũng chưa nhất quán.
Hiện tại cũng chưa có bằng chứng cho thấy COVID-19 gây sẩy thai hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển của thai trong tử cung (Xin lưu ý, chưa có bằng chứng ở thời điểm viết bài là tháng 8/2021; do diễn biến dịch về mặt thời gian chưa cho phép ta có những quan sát lâu dài và nhiều dữ liệu còn chờ được công bố).
Vì sao phụ nữ có thai có nguy cơ mắc Covid 19 nặng hơn?
Thai kỳ luôn được cho là giai đoạn mà người phụ nữ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Những năm thế kỉ 19, hiện tượng tăng mắc và mắc nặng bệnh lao ở những người phụ nữ mang thai thậm chí còn khiến các bác sĩ thời đó đề xuất phá thai như là một biện pháp điều trị. Các tiến bộ sau này đã bãi bỏ phương pháp “điều trị” này.
Sự phát triển của ngành miễn dịch cho thấy phụ nữ mang thai có sự thay đổi về hệ này: miễn dịch tự nhiên được tăng cao trong khi miễn dịch thu được lại suy giảm. Sự suy giảm hệ miễn dịch thu được khiến năng lực loại bỏ virus của người bệnh trở nên kém hiệu quả hơn (Pazo 2012, Zoller 2007).
Trong thai kỳ ngoài sự thay đổi về hệ miễn dịch, người phụ nữ còn có hiện tượng tăng nhịp tim và giảm thể tích khí cặn chức năng ở phổi. Đây đều là các yếu tố có thể gây tăng hiện tượng thiếu oxy máu và làm tăng biểu hiện nặng của bệnh lý đường hô hấp như cúm hay có thể cả COVID-19 là bệnh lý có điểm tương đồng. Các quan sát trước đây trên bệnh cúm tại Hoa Kỳ cho thấy các thai phụ cũng có tỉ lệ mắc cúm nặng hơn các bệnh nhân không mang thai cùng lứa tuổi.
Vậy nên làm gì nếu không may mắc Covid 19 khi mang thai?
Nếu phát hiện mang thai thì không cần quá lo lắng, mang thai không làm tăng nguy cơ mắc COVID-19. Việc bạn cần làm là thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về 5K của Bộ Y tế, và thực hiện tiêm chủng nếu có cơ hội.
Nếu bạn phát hiện mắc COVID-19 nhưng chưa có bằng chứng cho thấy sẽ tăng nguy cơ sẩy thai và bệnh gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Tuy vậy thì đây vẫn ở nhóm đối tượng nguy cơ cao – đặc biệt càng về phía cuối thai kỳ, cần thông báo với cơ sở điều trị của bạn về tình trạng thai kỳ của mình để được chú ý và chăm sóc phù hợp.
>>> ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Add: Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Tel: +(84-24) 3927 5568 ext 6820/6825
Email: arthongngoc@hongngochospital.vn