Bệnh lý viêm vùng chậu có gây vô sinh không?

Trong các nguyên nhân vô sinh nữ thì vòi tử cung hoặc các yếu tố vùng chậu chiếm tới 30-40%. Đa phần các biến đổi ở 2 khu vực trên là do viêm nhiễm (viêm vùng chậu). Và từ lâu, chuyên gia đã chỉ ra sự liên quan giữa viêm nhiễm vùng chậu và bệnh lý vô sinh.

Bệnh lý viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng tại đường sinh dục trên của nữ dẫn tới các tình trạng: viêm niêm mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm vòi trứng, viêm buồng trứng, viêm phúc mạc, viêm quanh gan.

Khi điều trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các viêm nhiễm sẽ tránh được các tổn thương ở vòi tử cung, ở vùng chậu và giữ chức năng sinh sản.

Tuy nhiên, có tới 60% trường hợp viêm vùng chậu không thấy có biểu hiện lâm sàng hoặc các dấu hiệu rất nhẹ, dẫn đến bệnh nhân không được phát hiện và điều trị.

Bệnh lý viêm vùng chậu có thể để lại các hậu quả lâu dài, kể cả với những trường hợp phát hiện và điều trị kịp thời. Các hậu quả lâu dài thường gặp của viêm vùng chậu là đau mạn tính vùng chậu, mang thai ngoài tử cung và vô sinh.

Viêm vùng chậu là bệnh lý gì? Có gây vô sinh hay không?

Viêm vùng chậu bao gồm những bệnh lý gì?

Viêm niêm mạc tử cung

Viêm niêm mạc tử cung là tình trạng nhiễm trùng tại vị trí niêm mạc trong buồng tử cung, có thể phân bệnh lý này thành: viêm niêm mạc tử cung cấp tính, viêm niêm mạc tử cung mạn tính, xơ hóa niêm mạc tử cung theo hình ảnh của giải phẫu bệnh niêm mạc tử cung.

Nguyên nhân gây bệnh:

– Viêm niêm mạc cấp: nguyên nhân chính là do vi khuẩn, thường diễn ra trong thời gian ngắn, đáp ứng tốt với điều trị, một số ít trường hợp có thể gây ra hậu quả lâu dài như vô sinh.

– Viêm niêm mạc tử cung mạn tính: có thể do sau một giai đoạn viêm cấp hoặc mạn tính ngay từ đầu. Các nguyên nhân gây viêm niêm mạc mạn tính thường gặp là do các vi khuẩn lây qua đường tình dục như Chlamydia trachomatis (chlamydia), Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu), Streptococcus agalactiae (liên cầu khuẩn), Mycoplasma hominis, tuberculosis (lao), và các chủng virus.

Triệu chứng của bệnh:

– Viêm niêm mạc cấp: sốt, đau vùng chậu, tiết dịch bất thường, ra máu âm đạo bất thường.

– Viêm niêm mạc tử cung mạn tính: các triệu chứng thường không rõ ràng hoặc không biểu hiện nên không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Phát hiện bệnh lý viêm niêm mạc tử cung:

– Soi buồng tử cung thực hiện vào pha tăng sinh niêm mạc nửa đầu chu kỳ kinh có thể cho thấy các dấu hiệu của tình trạng viêm niêm mạc.

– Sinh thiết giải phẫu bệnh niêm mạc tử cung có thể phát hiện ra tình trạng viêm niêm mạc tử cung.

Viêm niêm mạc tử cung có liên quan tới vô sinh không?

Ngày càng có nhiều bằng chứng về viêm niêm mạc tử cung có thể ảnh hưởng tới khả năng làm tổ của phôi hoặc tinh trùng đi ra khỏi buồng tử cung nhanh hơn khi có tình trạng viêm mạn tính.

Viêm niêm mạc tử cung được cho là có ảnh hưởng tới cơ chế thụ tinh cũng như việc làm tổ của phôi. Ảnh hưởng của viêm niêm mạc tử cung tới vô sinh có thể kể đến như thất bại làm tổ liên tiếp sau chuyển phôi, sảy thai liên tiếp.

Việc điều trị viêm niêm mạc tử cung mạn tính làm tăng tỉ lệ có thai tự nhiên cũng như khi thực hiện IVF.

Viêm vòi tử cung

Điều kiện cần để có thai là đảm bảo ba yếu tố cơ bản sau: rụng trứng, tinh trùng, vòi tử cung.

Vòi tử cung (hay còn được gọi là ống dẫn trứng hoặc vòi trứng) là bộ phận cần thiết để trứng và tinh trùng có thể gặp nhau rồi thụ tinh cũng như di chuyển phôi vào buồng tử cung làm tổ.

Nếu vòi tử cung bị tắc, sẽ không thể đón nhận trứng từ buồng trứng khi trứng rụng hoặc ngăn cản sự gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng. Khi vòi tử cung không đảm bảo chức năng này thì sự vận chuyển trứng và tinh trùng cũng như hợp tử sẽ bị ảnh hưởng.

Trong những trường hợp này, phôi thai có thể không vào được buồng tử cung để làm tổ mà làm tổ ngoài buồng tử cung.

Nguyên nhân gây viêm nhiễm vòi tử cung

Có khoảng 15% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản mắc phải bệnh lý này trong đó có 2,5% phụ nữ sẽ gặp khó khăn để mang thai do hậu quả của viêm vòi tử cung ở độ tuổi 35. Phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc đã sinh con sẽ dễ mắc phải bệnh viêm nhiễm vòi tử cung hơn.

Đa phần các biến đổi ở vòi tử cung hoặc vùng chậu là do nguyên nhân viêm nhiễm, và thường là hậu quả của các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là do các vi khuẩn: Chlamydia trachomatis, lậu cầu, hay mycoplasma hominis. Cũng có thể là do các khuẩn từ âm đạo lan lên phía trên như streptococcus, satphylococcus và trở thành tác nhân gây bệnh nhưng thường hiếm gặp hơn.

Triệu chứng bệnh lý viêm nhiễm vòi tử cung

Viêm vòi tử cung cấp tính:

– Chu kỳ kinh nguyệt không đều: nguyên nhân do vòi tử cung bị viêm nhiễm khiến cho hoạt động giữa vòi tử cung và buồng trứng kém hiệu quả.

– Đau bụng kinh: Viêm vòi tử cung ảnh hưởng đến xương chậu nên trước thời điểm hành kinh 1 tuần sẽ xuất hiện cơn đau bụng dưới dữ dội, mức độ đau tăng lên khi kinh nguyệt xuất hiện.

– Dịch tiết âm đạo (khí hư) ra nhiều, có mùi hôi và màu ngả vàng, gây ngứa vùng âm đạo.

– Các biểu hiện khác như sốt, buồn nôn, chóng mặt, mót tiểu….

Viêm vòi tử cung mãn tính:

Rất nhiều trường hợp viêm vòi trứng xuất hiện dần dần và không gây chú ý, hoặc phục hồi từ giai đoạn viêm cấp nhưng để lại các hậu quả. Những trường hợp này được xem là viêm vòi trứng mạn tính.

– Vòi tử cung bị sưng đỏ khiến người bệnh có cảm giác bị đau vùng xương chậu, lưng đau mỏi trong nhiều ngày.

– Thường xuyên bị chậm kinh, mất kinh và đau bụng kinh…

Hậu quả của viêm vòi tử cung

Hậu quả của viêm nhiễm tại vòi tử cung là xơ hóa trong lòng vòi, dính vòi tử cung với các cấu trúc quanh vòi như ruột, thân tử cung, bàng quang…hoặc tăng tiết dịch trong lòng vòi và gây giãn vòi. Đây còn gọi là vòi trứng ứ dịch (có dịch) hoặc vòi trứng ứ mủ (có mủ). Tất cả các tình trạng này sẽ cản trở chức năng của vòi tử cung.

Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ cơ chế của dịch và những yếu tố độc hại trong vòi tử cung ứ dịch có khả năng ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi trong chu kỳ tự nhiên cũng như khi chuyển phôi sau thụ tinh trong ống nghiệm.

Do đó những tổn thương của vòi tử cung là một trong các nguyên nhân vô sinh hay gặp nhất.

Điều trị bệnh lý viêm nhiễm vòi tử cung

Viêm vòi tử cung cấp tính cần điều trị bằng kháng sinh và chống viêm kịp thời. Một số trường hợp nặng có thể chuyển thành viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết, khối áp xe chứa mủ tại vòi trứng cần đến can thiệp phẫu thuật.

Viêm vòi trứng mạn tính: thường được điều trị bằng các biện pháp can thiệp xâm lấn như bước song ngắn, siêu song ngắn, liệu pháp chiếu nhiệt, tia hồng ngoại… để diệt viêm một cách triệt để.

Để phòng ngừa viêm vòi tử cung hiệu quả, chị em cần giữ gìn vệ sinh vùng kín đúng cách (nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt), quan hệ tình dục lành mạnh, khám phụ khoa định kỳ từ 3 – 6 tháng để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.

Viêm buồng trứng

Tình trạng nhiễm trùng tại một hoặc hai buồng trứng gọi là viêm buồng trứng. Đôi khi, viêm buồng trứng dùng để mô tả tình trạng viêm vùng chậu. Thông thường, tình trạng viêm nhiễm có thể lan từ buồng trứng vào vòi tử cung khi đó sẽ gọi là viêm vòi tử cung – buồng trứng. Mặt khác, khi viêm nhiễm tại vòi tử cung có thể lan rộng ra các cơ quan khác lân cận trong vùng chậu bao gồm cả buồng trứng.

Nguyên nhân gây nên viêm buồng trứng

Viêm buồng trứng có thể do vi khuẩn, có vài chủng vi khuẩn ở cổ tử cung giống như màng vi khuẩn sinh lý trên cơ thể người. Các vi khuẩn gây bệnh như chlamydia, lậu cầu có thể tác động tại cổ tử cung và giúp những vi khuẩn ít xâm lấn có thể xâm nhập vào vòi tử cung, buồng trứng và gây viêm.

Viêm sinh dục do lậu cầu và clamydia thường gặp ở phụ nữ trẻ, phụ nữ có hoạt động tình dục và độ tuổi thường thất của viêm buồng trứng là 25 tuổi.

Khoảng 5% viêm buồng trứng có thể do virus quai bị nhưng thường viêm buồng trứng này không ảnh hưởng tới cuộc sống sau này cũng như không làm tăng nguy cơ vô sinh.

Có một tỉ lệ nhỏ viêm buồng trứng do nguyên nhân tự miễn. Hệ miễn dịch của cơ thể coi mô buồng trứng là yếu tố lạ và tấn công buồng trứng gây viêm, teo và xơ hóa. Triệu chứng của viêm buồng trứng tự miễn là không đều hoặc không có kinh nguyệt và các triệu chứng liên quan đến các u nang buồng trứng, gây đau bụng, đầy hơi, buồn nôn và nôn. Nguyên nhân chính của việc này là không rõ ràng. Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm máu, tìm ra kháng thể kháng buồng trứng, siêu âm vùng chậu, thấy hình ảnh các u nang ở buồng trứng.

Hậu quả của viêm nhiễm buồng trứng

Viêm nhiễm tại buồng trứng có thể làm giảm mô lành của buồng trứng, để lại tình trạng xơ hóa. Các sẹo xơ này sẽ làm mất chức năng của mô buồng trứng. Viêm nhiễm tái phát có thể làm hủy hoại của buồng trứng. Nếu cắt bỏ một bên buồng trứng, phụ nữ vẫn còn khả năng sinh sản.

Nhưng ở một số ca nặng, khi cả hai buồng trứng đều cần thiết phải cắt bỏ, phụ nữ sẽ mất khả năng có thai tự thân. Những trường hợp này có thể sử dụng trứng hiến tặng và làm thụ tinh trong ống nghiệm, phôi sẽ tạo thành từ ngân hàng trứng hiến tặng và tinh trùng của chồng sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người vợ.

Điều trị viêm buồng trứng

Viêm buồng trứng được chẩn đoán dựa trên tiền sử, các dấu hiệu và triệu chứng, thăm khám vùng chậu, nuôi cấy dịch tiết âm đạo và siêu âm vùng chậu. Trong những trường hợp khẩn cấp và phức tạp, có thể tiếp hành nội soi thăm khám để nhìn trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân và quan sát trực tiếp buồng trứng.

Phác đồ điều trị trong những trường hợp không phức tạp là kháng sinh, kháng sinh sẽ làm ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt mầm bệnh. Các triệu chứng như đau sẽ giảm khi chườm ấm, bệnh nhân sẽ đặt ở phần bụng dưới. Một số bệnh nhân sẽ giảm được đau khi tắm nước ấm 2-3 lần mỗi ngày. Khuyễn cáo là tránh quan hệ tình dục đến khi hết quá trình điều trị.

Ở một số trường hợp nặng cần thiết phải tiến hành phẫu thuật. Những ca vỡ khối áp xe buồng trứng cần tiến hành phẫu thuật để tránh nhiễm khuẩn máu. Một số trường hợp khối áp xe cần tiến hành phẫu thuật loại bỏ bởi nhiều trường hợp kháng sinh không thể tiếp cận vào bên trong qua vỏ của khối áp xe. Một số trường hợp rất nặng, khi mô buồng trứng bị hủy hoại hoàn toàn bởi tình trạng viêm, cần thiết phải phẫu thuật để cắt bỏ cả buồng trứng.

Viêm phúc mạc vùng chậu

Viêm phúc chậu là tình trạng nhiễm trùng của màng bụng, lớp màng mỏng bao phủ các cơ quan vùng chậu.

Nguyên nhân viêm phúc mạc vùng chậu

Nguyên nhân chủ yếu là do các vi khuẩn từ máu hoặc từ vùng ruột bị tổn tương hoặc xâm nhập lên từ cơ quan sinh sản dưới. Quá trình viêm nhiễm sẽ dẫn tới hình thành các sẹo, các màng dính vùng chậu, bao phủ các cơ quan sinh sản, quanh buồng trứng, quanh vòi tử cung, quanh tử cung gây vô sinh.

Viêm phúc mạc có thể phân loại thành viêm phúc mạc nguyên phát hoặc viêm phúc mạc thứ phát.

– Viêm phúc mạc nguyên phát do sự khuếch tán vi khuẩn gây viêm mà không đi cùng sự tổn thương đường ruột. Viêm phúc mạc nguyên phát thường hiếm gặp. Viêm phúc mạc nguyên phát thường xảy ra vào lúc nhỏ hoặc ở bệnh nhân xơ gan hoặc có dịch ổ bụng.

– Viêm phúc thứ phát, thường gặp. Có thể gặp sau các tổn thương các cơ quan tiêu hóa hoặc sau nhiễm trùng một cơ quan khác của vùng bụng.

Triệu chứng viêm phúc mạc vùng chậu

Các triệu chứng của viêm phúc mạc bao gồm: đau vùng bụng với mức độ đau thay đổi từ đau âm ỉ tới đau nặng hoặc đau nhói.

Các triệu chứng khác bao gồm – sốt và ớn lạnh, mất cảm giác ngon miệng, khát nước, buồn nôn và nôn, thiểu niệu và không thể đánh hơi hoặc đại tiện.

Hậu quả của viêm phúc mạc vùng chậu

Viêm phúc mạc có thể dẫn tới vô sinh nữ bởi sự hình thành các sẹo dính, các sẹo dính này có thể ở tại vòi tử cung hoặc có trường hợp vòi trứng hoàn toàn thông nhưng các sẹo dính ở xung quanh buồng trứng, làm trứng không thể rụng vào vòi tử cung qua lớp sẹo dính này.

Nguyên nhân gây viêm vùng chậu

Viêm do vi khuẩn Chlamydia

Vi khuẩn chlamydia là vi khuẩn nội bào, nhân lên ở các tế bào biểu mô trụ, nơi nó tránh được phản ứng miễn dịch bởi màng tế bào. Thời gian phân chia của chlamydia khá dài mất 24 đến 48 tiếng trong khi thời gian nhân đôi của vi khuẩn là từ 1 đến 4 giờ.

Do đó khoảng thời gian từ khi nhiễm đến khi bắt đầu có triệu chứng của phụ nữ là dài, và các triệu chứng hầu hết là khá nhẹ, thậm chí không có biểu hiện. Các triệu chứng của sự lan rộng là không rõ ràng kể cả trong trường hợp viêm vòi tử cung hoặc viêm phúc mạc toàn thể hoặc viêm quanh gan.

Chlamydia dường như là một vi khuẩn quan trọng gây vô sinh. Rất nhiều các báo cáo cho thấy người nữ bị vô sinh do nguyên nhân vòi tử cung có tỷ lệ 25-75% phát hiện kháng thể cao hơn so người nữ vô sinh không do nguyên nhân vòi tử cung.

Ở nhiều nước phát triển, nhiễm Chlamydia hiện rõ ràng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh. Chlamydia gây ra phổ bệnh tương tự (ví dụ viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm tiết niệu) như bệnh lậu cầu.

Chlamydia gây viêm salping thường xuyên hơn so với lậu cầu. Ngoài ra, mức độ tổn thương ống dẫn trứng cấp tính ở những phụ nữ bị nhiễm Chlamydia tương đương hoặc vượt quá mức quan sát với nhiễm lậu cầu. Phụ nữ bị nhiễm Chlamydia có thể bị lậu và ngược lại.

Những chu kỳ sao chép và kích hoạt miễn dịch lặp đi lặp lại của Chlamydia trong các tế bào biểu mô của ống dẫn trứng cuối cùng dẫn đến sự hình thành sẹo và tắc ống dẫn trứng. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phụ nữ trước đó bị nhiễm Chlamydia – được phát hiện bằng cách lưu hành miễn dịch dịch thể hệ thống đối với HSP 60 có kết quả bất lợi khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

Viêm nhiễm do lậu cầu

Viêm vùng chậu do lậu cầu hiện tại vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh nữ ở các nước châu Á và châu Phi.

Vi khuẩn lậu cầu gây nên phản ứng viêm, sinh mủ, tiết ra nhiều mủ. Cùng với sự nhân lên của vi khuẩn, mô bị hủy hoại, giảm khả năng oxy hóa của môi trường, dẫn tới nhiễm trùng phối hợp với nguyên nhân khác. Vi khuẩn lậu cầu tiết độc tố có thể hủy hoại các lông mao của biểu mô vòi tử cung.

Viêm không do lậu cầu – không do chlamydia.

Khoảng ¼ phụ nữ bị viêm vùng chậu không do lậu cầu – không do chlamydia.

Bệnh nhân thường có biểu hiện đau trong suốt chu kỳ kinh, khi có kinh nguyệt sẽ đỡ đau hơn, ít sốt, tăng tiết dịch âm đạo hơn so với nhiễm lậu cầu. Nguyên nhân chủ yếu từ viêm cổ tử cung lên viêm niêm mạc tử cung, viêm vòi tử cung. Trong nhóm phụ nữ này, có khoảng 15% là do vi khuẩn kị khí, 30-50% do hỗn hợp hiếu khí – kị khí, 30-40% do vi khuẩn hiếu khí.

Nhiễm mycoplasma đường sinh dục và vô sinh không rõ nguyên nhân

Mycoplasma có chung đặc điểm của vi khuẩn (sinh sản trên môi trường không có tế bào) và virus (không có thành tế bào và có đường kính từ 100 đến 300 μm).

Hai loài mycoplasma thường được phân lập từ các vùng sinh sản nữ và nam: M. hominis và nhóm không đồng nhất được gọi chung là T mycoplasma. Một đặc tính đặc biệt của các chủng T là khả năng thủy phân urê và chúng được đặt tên là U. urealyticum. Một loài thứ ba, Mycoplasma genitalium được phân lập từ niệu đạo của nam giới và được cho là một nguyên nhân gây viêm niệu đạo.

Mycoplasmas genitalium sinh dục có thể gây viêm niệu đạo không đặc hiệu, viêm cổ tử cung và viêm âm đạo; một số trường hợp viêm vòi tử cung cấp tính; nhiễm trùng sau khi phá thai; viêm màng ối; và nhiễm trùng trong thai kỳ. Tuy nhiên, vai trò nguyên nhân của mycoplasmas genitalium trong vô sinh vẫn chưa được giải quyết.

Lao sinh dục

Ở các nước đang phát triển, bệnh lao vẫn chưa được kiểm soát. Lao sinh dục rất khó để phát hiện và điều trị kịp thời, đa phần là phát hiện mang tính chất ngẫu nhiên.

Lao sinh dục do vi khuẩn Mycolacterium tuberculosis chiếm 95%, myobacterium bovis chiếm 5%. Lao sinh dục thường thứ phát sau lao ở các bộ phận khác của cơ thể.

Vòi tử cung sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và sau đó là các vị trí khác thuộc cơ quan sinh dục. Lao sinh dục nguyên phát rất hiếm gặp và có thể bắt nguồn từ tinh dịch hoặc nước bọt của bạn tình dương tính. Lao cổ tử cung có mặt trong khoảng 5% trường hợp.

Những dấu hiệu của lao sinh dục bao gồm: vô sinh, các vấn đề về rối kinh nguyệt, đau bụng, tăng tiết dịch âm đạo, rò sinh dục. Một số trường hợp có biểu hiện: giảm thân nhiệt, giảm cân nặng, mệt mỏi. Một dấu hiệu điển hình là không cắt được cơn sốt trong điều trị viêm vùng chậu kể cả khi dùng kháng sinh phổ rộng.

Chẩn đoán mắc bệnh lao sinh dục đến hiện tại vẫn còn là thách thức do các biểu hiện lâm sàng và giá trị của các xét nghiệm trong chẩn đoán bệnh lao có độ nhạy chưa cao. Chưa có một xét nghiệm nào trong chẩn đoán bệnh lao có tính thuận tiện, đáng tin cậy, độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Chẩn đoán vẫn còn chủ quan và phát hiện ngẫu nhiên khi làm phẫu thuật nội soi vô sinh hoặc đánh giá vùng chậu trong viêm vùng chậu mạn tính.

Quá trình gây viêm vùng chậu của các vi khuẩn

Cơ chế sinh bệnh của bệnh lý viêm vùng chậu: Sơ đồ các con đường lây nhiễm qua đường sinh dục.

A – Lây lan trực tiếp bằng cách mở rộng theo bề mặt là đặc điểm của nhiễm khuẩn lậu cầu và chlamydia.

B -Nhiễm mycoplasma và các vi khuẩn khác theo con đường xâm nhập trực tiếp của tổn thương lây lan sang dây chằng rộng và và vòi tử cung chủ yếu qua bạch huyết và mạch máu.

Khi viêm vòi tử cung do Lậu cầu và Chlamydia, các vi khuẩn đi lên bằng cách lan lên từ đường sinh dục dưới qua ống cổ tử cung đến niêm mạc tử cung rồi lan ra vòi tử cung.

Quá trình này có thể gây ra dính giữa các nếp gấp niêm mạc, hủy hoại niêm lông mao, gây tắc nghẽn vòi tử cung, gây kết dính các tua vòi, sinh mủ. Tình trạng viêm nhiễm có thể lan qua vòi tử cung ra vùng chậu, gây viêm màng bụng, hình thành các ổ áp xe.

Với các vi khuẩn khác, đặc biệt là M. hominis, các vi khuẩn có thể xâm nhập qua các tổn thương ở cổ tử cung, niêm mạc tử cung lan sang dây chằng rộng và lan vào vòi tử cung thông qua đường máu và đường bạch huyết. Quá trình viêm nhiễm này thường ảnh hưởng đến vùng dây chằng rộng và vòi tử cung hơn so với nhiễm lậu cầu, tuy nhiên các biểu mô phía trong vòi tử cung lại thường nguyên vẹn.

Một số vi khuẩn, virus, trong đó có vi khuẩn lao có thể đến và gây bệnh cho vùng chậu qua đường máu.

Hậu quả của viêm nhiễm vùng chậu gây vô sinh bao gồm: viêm vòi tử cung mãn tính, ứ dịch vòi tử cung, các dính xung quanh hai vòi tử cung và quanh buồng trứng. Những trường hợp viêm nhiễm mãn tính sẽ tác động lên hệ thống miễn dịch, kích thích cơ thể phụ nữ sản xuất nhiều lượng kháng thể kháng lại tinh trùng, kháng lại phôi gây vô sinh hoặc giảm tỉ lệ thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Vô sinh cũng có thể do chức năng bài tiết dịch bất thường hoặc nhu động bất thường của vòi tử cung.

Điều trị sớm và bảo tồn khả năng sinh sản

Kịp thời điều trị các bệnh viêm nhiễm vùng chậu là cách “đảm bảo” khả năng sinh sản của phụ nữ

Cách phòng bệnh tốt nhất là kịp thời điều trị tình trạng nhiễm trùng ngay cả khi không có hoặc có triệu chứng ở giai đoạn đầu.

Có thể thực hiện bằng cách khám định kỳ và sàng lọc cho tất cả các phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hoạt động tình dục, cũng như hướng dẫn cho bệnh nhân tầm quan trọng của xét nghiệm.

Kết hợp nâng cao hiểu biết trong cộng đồng về tầm quan trọng của tình dục an toàn và thăm khám định kỳ.

Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương – Trung tâm IVF Hồng Ngọc

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022