3 xét nghiệm miễn dịch trong điều trị vô sinh, hiếm muộn

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Bình Dương – Bác sĩ lâm sàng IVF Hồng Ngọc

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng ngự của vật chủ chống lại các tác nhân tiềm năng gây hại nhằm bảo vệ cơ thể. Hệ miễn dịch quan trọng đến nỗi có thể nói rằng sự tồn tại của mọi sinh vật đều phụ thuộc vào hệ này. Vậy khi điều trị vô sinh, hiếm muộn thì hệ miễn dịch có ý nghĩa như thế nào? Các xét nghiệm miễn dịch cần thiết là gì? Hãy để chuyên gia của chúng tôi giải đáp cho các bạn trong bài viết dưới đây…

Xét nghiệm miễn dịch trong điều trị vô sinh, hiếm muộn quan trọng thế nào?

 

Hiếm muộn do miễn dịch nên hiểu như thế nào?

Đặc tính tối quan trọng của hệ miễn dịch là nhận biết đâu là “lạ” và đâu là “quen”. Các tác nhân “lạ” tồn tại ở nhiều dạng như vi khuẩn, virus hay một số cấu trúc hoá học hay tác nhân vật lý … Hệ miễn dịch chống đỡ chúng bằng nhiều cách nhưng chủ yếu là thông qua hai cơ chế miễn dịch dịch thể (như sử dụng các kháng thể …) hay miễn dịch qua trung gian tế bào (các thực bào hay các tế bào gây độc, diệt tự nhiên …).

Tuy nhiên trong không ít các trường hợp, chính sự hoạt động hơi … quá năng nổ của các cơ chế miễn dịch lại trở thành tác nhân gây bệnh. Một vài thể hiếm muộn cũng có căn nguyên miễn dịch.

Thực tế, theo một số tác giả, con số này không hề nhỏ: có thể tới 20% số ca hiếm muộn phần nào liên quan đến nguyên nhân này. Hiếm muộn do miễn dịch thường được khoác lên mình tấm áo “vô sinh chưa rõ nguyên nhân” do những hạn chế về mặt hiểu biết của y giới cũng như những giới hạn về mặt kĩ thuật để chẩn đoán chính xác chúng.

Hiếm muộn do miễn dịch thường được chẩn đoán khi quan sát thấy kháng thể gắn vào các cấu trúc tối quan trọng của hệ sinh dục: trứng hay tinh trùng hay thậm chí phôi; chúng gây không thể thụ tinh, thai không thể làm tổ hay sẩy thai. Nhóm phụ nữ có nguy cơ gặp phải vấn đề này thường nằm trong các nhóm sau:

– Gia đình hay bản thân có tiền sử mắc các bệnh lý tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống, nhược giáp tự miễn (bệnh Hashimoto), viêm khớp dạng thấp …

– IVF thất bại nhiều lần

– Lạc nội mạc tử cung

– Vô sinh chưa rõ nguyên nhân

– Sẩy thai liên tiếp.

Một số xét nghiệm miễn dịch đánh giá vấn đề hiếm muộn

Dưới đây là một số xét nghiệm thường được tiến hành để đánh giá vấn đề hiếm muộn do nguyên nhân miễn dịch:

Test sau giao hợp (post-coital test)

Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá gián tiếp sự xuất hiện của kháng thể kháng tinh trùng trong dịch sinh dục của người phụ nữ. Test sau giao hợp là test đơn giản, an toàn và không xâm lấn.

– Test này sẽ được thực hiện sau khi cặp bệnh nhân đã quan hệ một vài tiếng xung quanh ngày dự kiến rụng trứng của người phụ nữ: ở giai đoạn này lượng dịch cổ tử cung thuận tiện cho việc xét nghiệm.

– Sau khi đã lấy được dịch cổ tử cung => phết dịch lên trên lam kính, đưa vào kính hiển vi nhằm quan sát rõ vận động của tinh trùng trong môi trường dịch này. Nếu đại đa số các tinh trùng không di động thì ta có thể nghi ngờ các yếu tố miễn dịch của người phụ nữ đã ngăn cản sự vận động và thực hiện chức năng của tinh trùng.

Ngày nay test sau giao hợp vẫn còn được tiến hành do tính đơn giản và an toàn của nó, tuy nhiên vẫn còn một số tranh cãi xung quanh giá trị của xét nghiệm này.

Test tìm Kháng thể kháng tinh trùng (anti-sperm antibody)

Các kháng thể kháng tinh trùng (sperm antibodies) là các kháng thể – thành phần của hệ miễn dịch dịch thể – được sinh ra để gắn một cách chọn lọc vào tinh trùng, khiến chúng giảm hoặc không thực hiện được chức năng của mình.

Các kháng thể này có thể xuất hiện ở bản thân người nam giới (khoảng 7-15%) và ở người nữ giới – bạn tình của người này (khoảng 13-80%). Kháng thể kháng tinh trùng có thể tìm thấy trong huyết tương (máu), dịch tinh, trên thân tinh trùng hay trong dịch cổ tử cung …

Test sau giao hợp cho ta ý niệm gián tiếp về các kháng thể kháng tinh trùng trong dịch thể của người phụ nữ. Tuy nhiên hiện tại tại Việt Nam, cũng có một số phương pháp tìm và đánh giá được trực tiếp loại kháng thể này.

– Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng tinh trùng IgG theo ELISA: Loại xét nghiệm này cần lấy máu và có thể thực hiện cho cả nam và nữ. Xét nghiệm này đánh giá lượng kháng thể chống tinh trùng lưu hành trong máu (loại IgG – khác với IgA là loại thường có trong dịch thể như dịch cổ tử cung …).

Hiện nay test MAR (mix agglutination test – test ngưng tụ hỗn hợp) đã được triển khai tại IVF Hồng Ngọc

 

– Xét nghiệm ngưng tụ (agglutination test): có nhiều loại test đánh giá sự ngưng tụ của tinh trùng (hiện tượng tinh trùng dính đầu vào đầu hay đuổi vào đuôi với nhau hoặc các bộ phận khác …). Khi tinh trùng bị ngưng tụ sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình do giảm về cả số lượng lẫn chức năng. Khi thấy hiện tượng này vượt quá lượng giới hạn, ta có thể nghĩ tới có sự xuất hiện của kháng thể kháng tinh trùng. => Hiện nay test MAR (mix agglutination test – test ngưng tụ hỗn hợp) cũng đã được triển khai tại IVF Hồng Ngọc.

Ngoài ra trong lịch sử còn một số loại xét nghiệm khác để tìm kháng thể kháng tinh trùng như SIT, IF, flow cytometry, … nhưng ngày nay chỉ còn MAR test và xét nghiệm máu dựa trên ELISA là còn được sử dụng rộng rãi.

Các kháng thể kháng màng trong suốt, kháng trứng và xét nghiệm NK

Một số trường hợp khác, cơ thể người phụ nữ lại tự sản xuất ra các kháng thể kháng chính tế bào buồng trứng của mình hay kháng lớp “vỏ” tế bào trứng – gọi là các kháng thể kháng buồng trứng (Anti-ovarian antibody – AOA) hay kháng thể kháng màng trong suốt (Anti-Zonal pellucida antibody – AZP).

Các kháng thể kháng các thành phần của buồng trứng AOA có thể gây suy buồng trứng sớm, gây hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân và cũng có thể gặp trong bệnh cảnh buồng trứng đa nang hay lạc nội mạc tử cung. Nồng độ AOA tăng cao có thể là nguyên nhân một số bệnh nhân không rụng trứng hay không đáp ứng với thuốc kích rụng. Hiện tại xét nghiệm này chưa thực hiện được tại Việt Nam

Kháng thể kháng màng trong suốt Zona pellucida: màng trong suốt là lớp vỏ bao ngoài tế bào trứng, chứa nhiều glycoprotein. Khi lớp màng này bị bao phủ bởi kháng thể thì tinh trùng sẽ gặp khó khăn trong việc xâm nhập và thụ tinh với trứng, và ngay cả khi trứng có thụ tinh để tạo thành phôi giai đoạn đầu thì việc làm tổ tại niêm mạc tử cung của phôi này cũng bị ảnh hưởng.

Kháng thể kháng màng trong suốt có thể được tìm thấy trong cả dịch nang trứng, dịch cùng đồ và dịch cổ tử cung. Hiện tại ở Việt Nam cũng chưa có khả năng thực hiện loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm hoạt động tế bào diệt tự nhiên NK

Có hai quần thể tế bào diệt tự nhiên (NK cell) trong cơ thể – loại trong máu ngoại vi (PB NK) và loại trong buồng tử cung (uNK). Người ta quan sát thấy các tế bào NK trong buồng tử cung (uNK) có vai trò nhất định trong quá trình làm tổ và phát triển của thai giai đoạn đầu và có thể liên quan tới sẩy thai liên tiêp và thất bại làm tổ tái diễn.

Có nhiều nghiên cứu đánh giá cho thấy có mối quan hệ giữa hai quần thể tế bào NK này. Các kit xét nghiệm hiện tại đã đánh giá được phần nào hoạt độ của nhóm PB NK – tuy nhiên việc đánh gía chính xác số lượng và đặc biệt là chức năng của nhóm uNK còn gặp nhiều khó khăn. Cho tới thời điểm hiện tại vẫn cần nhiều hơn các nghiên cứu và khảo sát về hướng đi này trong điều trị hiếm muộn và do vậy việc tiến hành xét nghiệm và khảo sát thường quy về NK vẫn chưa được khuyến cáo.

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu sơ lược về một số loại xét nghiệm miễn dịch thường được sử dụng trên thế giới. Còn nhiều khảo sát khác chuyên sâu hơn sẽ được dành cho những trường hợp cụ thể như xét nghiệm các kháng thể của các bệnh lý tự miễn có thể liên quan như bệnh lý viêm tự miễn tuyến giáp, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng antiphospholipid … hay bệnh lý thiên về nhóm dị ứng điển hình như bệnh celiac.

Tuy nhiên phạm vi và mức độ ứng dụng các xét nghiệm này hoàn toàn phụ thuộc và tiền sử cũng như hiện trạng của từng bệnh nhân riêng biệt. Nếu bạn nghi ngờ mình gặp vấn đề về các bệnh lý miễn dịch, hãy tới ngay cơ sở y tế phù hợp để được khám, tư vấn và điều trị ngay nhé!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ: Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpagehttps://www.facebook.com/ivfhongngoc2022

 

Xem thêm các bài viết khác của Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc:

Những lưu ý về vô sinh hiếm muộn ở nữ giới

Các biện pháp chọn lựa tinh trùng phổ biến hiện nay

Bệnh lý tuyến giáp có ảnh hưởng gì tới sức khỏe sinh sản không?