AMH thấp có ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh sản của phụ nữ, đặc biệt với những người có dự định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Vậy nếu nồng độ AMH thấp hoặc cao bất thường, bệnh nhân có thực hiện IVF được không và tỷ lệ thành công là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên.
Xét nghiệm AMH là gì?
AMH là viết tắt của Anti-Mullerian Hormone – tên một hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang buồng trứng, cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng của người phụ nữ. AMH là chỉ số đánh giá dự trữ buồng trứng đồng thời có thể dự đoán được khả năng sinh sản của người phụ nữ trong hiện tại và tương lai.
Cho đến nay, xét nghiệm AMH được coi là xét nghiệm chính xác nhất giúp đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng. Bởi trước đây, tiêu chuẩn cũ để đánh giá dự trữ buồng trứng là đo nồng độ FSH nhưng chỉ số này thường dao động theo chu kỳ kinh và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, còn với chỉ số AMH không thay đổi theo chu kỳ kinh nên chị em có thể thực hiện xét nghiệm vào bất cứ ngày nào.
AMH thấp là bao nhiều? Chỉ số AMH thế nào là bình thường?
Mặc dù nồng độ AMH không thay đổi theo chu kỳ kinh nhưng sẽ sụt giảm theo tuổi hoặc bị tác động bởi các yếu tố bệnh lý, stress… Ở phụ nữ khỏe mạnh dưới 38 tuổi, chỉ số AMH bình thường dao động từ 2,2 – 6,8ng/ml. Mức AMH bình thường là điều kiện tốt để đáp ứng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Nếu nồng độ này quá thấp hoặc quá cao, bệnh nhân sẽ gặp bất lợi khi làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Mức AMH thấp (1,0-1,5 ng/ml) cho thấy khả năng dự trữ buồng trứng suy giảm, tuy nhiên bạn vẫn có cơ hội mang thai. Nếu mức AMH cực thấp (dưới 0,5ng/ml) – có rất ít trứng dự trữ và khả năng thụ thai là vấn đề đáng lo ngại. Khi chỉ số AMH thấp, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn so với thụ tinh nhân tạo (IUI).
Ngược lại, những chị em có chỉ số AMH cao và quá cao (>10 ng/ml) thường gặp ở phụ nữ bị buồng trứng đa nang, nếu không có các biện pháp can thiệp hiện đại thì khi thực hiện kích trứng sẽ có nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả của quá trình IVF.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số AMH
Chỉ số AMH thấp hoặc cao bất thường là do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau đây:
– Độ tuổi
– Chủng tộc
– Tình trạng hút thuốc, uống rượu, dùng các chất kích thích
– Số cân nặng
– Buồng trứng đa nang
– Sử dụng thuốc tránh thai
– Hóa trị, xạ trị
– Phẫu thuật một hoặc cả hai buồng trứng
Đối tượng cần làm xét nghiệm AMH
Phụ nữ cần xét nghiệm AMH khi mắc các bệnh sau:
– Vô sinh hiếm muộn
– Buồng trứng đa nang.
– Suy buồng trứng sớm.
– Rối loạn kinh nguyệt, ít kinh, thưa kỳ và vô kinh.
– Theo dõi hiệu quả quá trình điều trị vô sinh.
– Ung thư buồng trứng.
– Tiên lượng mãn kinh.
Vai trò của AMH trong các xét nghiệm lâm sàng hỗ trợ sinh sản
AMH theo dõi hiện tượng lão hóa của buồng trứng
Hiện tượng lão hóa buồng trứng xảy ra khi giảm số lượng và chất lượng noãn ở buồng trứng theo thời gian. Tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ là vào khoảng 50 tuổi tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ diễn ra sớm hơn, khoảng 1 phần 10 phụ nữ sẽ mãn kinh trước 45 tuổi và 1 phần 100 có thể mãn kinh trước 40 tuổi. Vì thế, xét nghiệm AMH nhiều lần theo thời gian có thể giúp đánh giá số noãn còn lại ở buồng trứng và diễn biến của hiện tượng lão hóa của buồng trứng. Từ đó, xét nghiệm này có thể dùng để chẩn đoán khả năng sinh sản và tiên lượng thời gian cần can thiệp điều trị để có con.
AMH tiên lượng khả năng sinh sản trong tương lai
Theo nghiên cứu, AMH có mối liên quan mật thiết đến khả năng sinh sản và khả năng đáp ứng với kích thích buồng trứng, đặc biệt xảy ra trong những trường hợp giảm dự trữ buồng trứng (phụ nữ lớn tuổi) hoặc tăng dự trữ buồng trứng (buồng trứng đa nang).
Tùy mỗi người mà chỉ số AMH giảm dần theo thời gian với tốc độ khác nhau. Do đó, xét nghiệm AMH và sau đó thử lại nhiều lần theo thời gian sẽ hỗ trợ việc tiên lượng khả năng có thai còn lại và tốc độ lão hóa của buồng trứng. Từ đó, có thể tư vấn cho phụ nữ thời điểm thích hợp để có thai tự nhiên hoặc can thiệp điều trị hỗ trợ sinh sản.
AMH tiên lượng tuổi mãn kinh
Đối với phụ nữ, xét nghiệm AMH được xem là xét nghiệm duy nhất có kết quả giảm dần và có liên quan đến sự lão hóa của buồng trứng. Chỉ số AMH giảm dần cho đến khi không còn phát hiện bằng xét nghiệm vào tuổi mãn kinh.
Ở những trường hợp suy buồng trứng sớm hay mãn kinh sớm, chỉ số AMH giảm nhanh và mất rất sớm. Vì vậy, xét nghiệm AMH có thể giúp chẩn đoán và tiên lượng sự bắt đầu hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ để có thể chủ động sử dụng các hormon thay thế, làm giảm nguy cơ loãng xương và các bệnh tiền mãn kinh và mãn kinh sớm ở phụ nữ.
AMH tiên đoán tổn thương buồng trứng sau phẫu thuật và sau điều trị ung thư
AMH được xem là một xét nghiệm chính xác với các thay đổi về số nang noãn ở buồng trứng hay dự trữ buồng trứng. Do đó, AMH có thể sử dụng như một dấu hiệu phát hiện sớm, đáng tin cậy và trực tiếp cho các tổn thương ở mô buồng trứng sau phẫu thuật hoặc sau điều trị ung thư.
Thực hiện thụ tinh ống nghiệm thế nào khi AMH thấp?
Với thụ tinh ống nghiệm, phụ nữ có nồng độ AMH cao thường thích ứng với kích thích buồng trứng tốt và số lượng trứng chọc hút được cũng nhiều hơn. Khi chọc hút được nhiều trứng thì khả năng chọn được phôi tốt để chuyển vào tử cung cao hơn nên tỷ lệ thành công cũng lớn hơn.
Những phụ nữ có chỉ số AMH thấp đồng nghĩa với khả năng dự trữ buồng trứng suy giảm sẽ đáp ứng kém với thuốc kích thích buồng trứng. Do đó, bác sĩ sẽ sử dụng rất nhiều loại thuốc hoặc liều cao để kích thích buồng trứng nhằm tăng tỷ lệ trứng có thể chọc hút. Với trường hợp này, cơ hội có thai thấp hơn những người có chỉ số AMH cao. Và cho đến nay, chưa có phương pháp điều trị hay loại thuốc nào có thể làm tăng chỉ số AMH.
Tuy nhiên, chỉ số AMH không phải là tất cả để đánh giá khả năng thành công của một ca thụ tinh ống nghiệm. Bởi chỉ số này chỉ phản ánh số lượng trứng dự trữ chứ không phản ánh được chất lượng của buồng trứng. Do đó, khi nhận kết quả AMH thấp, phụ nữ không nên quá lo lắng. Bác sĩ sẽ phải kết hợp thêm nhiều xét nghiệm khác đánh giá đầy đủ và chính xác nhất về tỷ lệ thành công của một ca IVF. Ngoài xét nghiệm AMH, cả 2 vợ chồng sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm khác như:
– Xét nghiệm máu
– Xét nghiệm tinh dịch đồ
– Khám phụ khoa
– Siêu âm
– Xét nghiệm nội tiết người vợ
Trong giai đoạn thực hiện thụ tinh ống nghiệm, bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm các bài viết khác thuộc chuyên mục kiến thức: https://ivfhongngoc.com/vi/kien-thuc-vi
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Cơ sở 1:
Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014
Cơ sở 2:
Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084