Sàng lọc phôi là bước tiến trong y học giúp chủ động chẩn đoán và hỗ trợ giai đoạn sớm, phát hiện những bất thường về số lượng nhiễm sắc thể ở phôi. Trong đó, sàng lọc phôi ngày 5 là phương pháp tiên tiên hơn cả. Vậy sàng lọc phôi ngày 5 sau bao lâu có kết quả, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Sàng lọc phôi là một kỹ thuật giúp chúng ta có thể biết được thông tin di truyền về toàn bộ 46 Nhiễm Sắc Thể (chia thành 23 cặp của phôi), thứ mà sau này sẽ phát triển thành em bé. Để làm được điều này thì trứng sau khi thụ tinh cần được nuôi trong 5 ngày, phát triển thành phôi nang. Sau đó, chuyên viên phôi học sẽ tiến hành sinh thiết tức là lấy một vài tế bào ở bên ngoài tại vị trí TE của phôi để đem đi phân tích di truyền.
Thông qua việc kiểm tra, bác sĩ sẽ trao đổi với các cặp vợ chồng hiếm muộn để cùng lựa chọn ra những phôi chất lượng tốt, không có bất thường lớn về mặt di truyền. Việc này nhằm giảm thiểu những rủi ro, làm tăng cơ hội đậu thai, giảm thiểu số lần chuyển phôi, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí cho bệnh nhân.
Nếu được chỉ định đúng thì phương pháp này sẽ giúp gia tăng cơ hội đậu thai, đặc biệt là với những cặp vợ chồng lớn tuổi, người có tiền sử sảy thai, chuyển phôi nhiều lần thất bại.
Chị em phụ nữ kể từ khi sinh ra thì cơ thể đã có một số lượng trứng nhất định, trứng không thể tạo ra thêm mới mà số lượng lại còn giảm dần theo thời gian. Không chỉ vậy chất lượng của trứng cũng sẽ bị suy giảm khi tuổi của người phụ nữ tăng lên, đặc biệt là đối với chị em trên 35. Vậy nên chúng ta sẽ hay thấy tỷ lệ con sinh ra mắc các bệnh lý về mặt di truyền thường tăng cao ở những phụ nữ này.
Khi chất lượng trứng và tinh trùng không tốt thì sẽ tạo ra phôi chất lượng kém. Một số trường hợp bằng việc quan sát hình thái bên ngoài không thể đánh giá hết được toàn bộ chất lượng của phôi và khi chuyển những phôi chất lượng không tốt đó thì có thể dẫn đến:
- Phôi không thể làm tổ trong tử cung
- Phôi may mắn làm tổ được nhưng bị sảy thai sớm
- Thai phát triển xong bị lưu
- Trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh/ khuyết tật trí tuệ…
Sàng lọc phôi giúp phát hiện những bệnh gì?
Sàng lọc phôi giai đoạn tiền làm tổ giúp tầm soát đến 2000 dị tật bẩm sinh. Một số khuyết tật/dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể (NST) bao gồm: (3)
- Bất thường NST 21 (hội chứng Down): là bệnh về nhiễm sắc thể thường gặp nhất khiến trẻ bị khuyết tật trí tuệ, có vấn đề về tim mạch, trương lực cơ thấp hoặc kém, khuôn mặt dị biệt.
- Bất thường NST 18 (hội chứng Edwards): thai nhi bị chậm phát triển trong tử cung, bàn tay và/hoặc bàn chân có vị trí bất thường, có khuyết tật phát triển và trí tuệ nghiêm trọng. Tuổi thọ trung bình thường chưa đến 1 năm.
- Bất thường NST 13 (hội chứng Patau): đặc điểm thường gặp là tim, não, thận bất thường; hình thành môi và vòm miệng không hoàn thiện (bị hở); chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng.
- Thể đơn nhiễm X (hội chứng Turner): Cứ 2.000 ca bé nữ sinh ra thì có 1 ca xuất hiện thể đơn nhiễm X, với đặc điểm: dị tật tim, thấp hơn chiều cao trung bình, dậy thì muộn, vô sinh…
- Bất thường NST 23, trường hợp XXX (hội chứng Triple X hay hội chứng siêu nữ): bé gái có chiều cao hơn chiều cao trung bình, khó khăn khi học tập, nói, chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển kỹ năng vận động, khó khăn trong hành vi và cảm xúc.
- Bất thường NST 23, trường hợp XYY (hội chứng Jacobs): Cứ 840 ca bé trai được sinh ra thì có 1 ca bị hội chứng Jacobs, với đặc điểm là chậm phát triển về nói và kỹ năng ngôn ngữ, khuyết tật khả năng học tập, rối loạn phổ tự kỷ.
Trung bình 4% trẻ sinh ra có bất thường nhiễm sắc thể, dẫn đến mắc dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, Edwards… hay các bệnh lý do di truyền như bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh ung thư vú, bệnh mù màu, bệnh loạn dưỡng cơ.
Riêng đối với nhóm phụ nữ làm thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ này còn cao hơn bởi phần lớn các ca làm thụ tinh ống nghiệm là phụ nữ lớn tuổi (thai phụ càng lớn tuổi, con càng có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh bởi chất lượng trứng của người phụ nữ giảm dần theo thời gian).
Chính vì vậy, sàng lọc di truyền tiền làm tổ là kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong thụ tinh ống nghiệm, không chỉ giúp các cặp vợ chồng thỏa ước mơ làm cha mẹ mà còn mang đến những đứa con khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý do di truyền gây ra.
Ai làm IVF nên làm sàng lọc phôi?
Sàng lọc phôi được đánh giá là bước tiến lớn trong hỗ trợ sinh sản giúp chọn lọc phôi khỏe mạnh để chuyển vào buồng tử cung, tăng khả năng phôi làm tổ và mang thai, sinh con khỏe mạnh. Việc nuôi phôi và chọn lọc được phôi tốt cho phép cấy đơn phôi mà vẫn đảm bảo tỷ lệ thành công, tránh được những rủi ro liên quan đến việc đa thai. Tuy nhiên, việc sàng lọc phôi chỉ làm khi có chỉ định của bác sĩ.
Nếu không thực hiện đúng chỉ định thì việc sàng lọc di truyền phôi không làm gia tăng cơ hội đậu thai, trong khi đó nó lại khiến chất lượng phôi bị tác động phần nào đó đồng thời còn làm lãng phí tiền bạc, thời gian và công sức của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.
Vậy sàng lọc phôi ngày 5 sau bao lâu có kết quả?
Sau khi chọc trứng 2-3h các bạn chuyên viên phôi học sẽ tiến hành ICSI để thụ tinh cho noãn. Với những noãn thụ tinh, chúng ta sẽ nuôi tiếp 5 ngày để chúng phát triển thành phôi nang. Ở thời điểm phôi nang, chúng ta sẽ tiến hành sinh thiết lấy một vài tế bào để đem đi phân tích di truyền. Kết quả sẽ có sau 7-10 ngày. Vậy tổng thời gian cần chờ kể từ khi chọc trứng sẽ dao động từ 12-15 ngày. Để được rõ hơn, tốt nhất các bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để gặp trực tiếp bác sĩ tư vấn, thăm khám và lên lộ trình điều trị.
Như vậy, các cặp đôi không cần mơ hồ lo lắng “sàng lọc phôi ngày 5 sau bao lâu có kết quả”. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thông báo từng mức thời gian cụ thể đến cặp đôi.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Cơ sở 1:
Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014
Cơ sở 2:
Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022