Trong cộng đồng, mọi người thường được nghe thông tin “bệnh quai bị gây vô sinh”, vậy thực hư của thông tin này như thế nào? Bệnh quai bị là bệnh gì? Hãy cùng bác sĩ của Trung tâm IVF Hồng Ngọc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
- Những biến chứng của bệnh quai bị có liên quan trực tiếp đến cơ quan sinh sản, vào khoảng 20-35% ở nam giới và 7% ở nữ giới
Quai bị là bệnh gì?
Quai bị là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra. Đặc trưng là sưng đau tuyến nước bọt (chủ yếu tuyến mang tai), đôi khi kèm viêm màng não, viêm tụy, viêm tuyến sinh dục và một số cơ quan khác.
Quai bị xảy ra chủ yếu ở độ tuổi trẻ em và vị thành niên, nam giới thường gặp hơn phụ nữ và bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Sự liên quan giữa quai bị và vô sinh
Quai bị có thể khiến nam giới viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn, tỉ lệ này chiếm khoảng 20-35% và viêm buồng trứng ở nữ giới (7%). Chính vì các biến chứng liên quan trực tiếp đến cơ quan sinh sản, vì thế nếu không phát hiện và điều trị kịp thời chức năng sinh sản có thể bị ảnh hường nặng nề.
Bệnh quai bị có gây vô sinh không?
Ở nam giới, biến chứng viêm mào tinh hoàn-viêm tinh hoàn khá thường gặp. Có thể dẫn đến biến chứng teo tinh hoàn (30-50% trường hợp quai bị có viêm tinh hoàn) và có tác động trực tiếp đến khả năng sản xuất tinh trùng tại tinh hoàn dẫn đến giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng sinh tinh. Vô sinh thường gặp trên trường hợp viêm tinh hoàn 2 bên hơn là trường hợp viêm 1 bên. Đặc biệt hay gặp ở độ tuổi thiếu niên vì thế nhiều khi hay bỏ qua và đến khi bước vào giai đoạn hoàn thiện chức năng sinh sản mới phát hiện ra.
Ở nữ giới, khoảng 5% quai bị có thể dẫn đến viêm phần phụ với biểu hiện đau hạ vị, sốt, nôn. Nếu không điều trị dẫn đến biến chứng dính buồng trứng, tắc ống dẫn trứng…
Điều trị vô sinh do biến chứng quai bị
Biến chứng viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn sẽ dẫn đến teo tinh hoàn. Tinh hoàn giống như ‘nhà máy’ sản xuất tinh trùng, khi bị teo có thể có rất ít tinh trùng đến không có tinh trùng (vô tinh). Trong trường hợp vô tinh do teo tinh hoàn cần phải sử dụng các kĩ thuật để thu thập tinh trùng như TESA (lấy tinh trùng bằng chọc hút từ tinh hoàn), TESE (thu thập tinh trùng từ mẫu mô tinh hoàn). Nếu đã can thiệp thủ thuật mà không thu được tinh trùng thì phải xin tinh trùng.
Ở phụ nữ biến chứng dính buồng trứng, tắc ống dẫn trứng…là những nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn. Nếu xác định mới ở giai đoạn viêm buồng trứng thì điều trị nội khoa, nhưng dính buồng trứng hay tắc ống dẫn trứng thì buộc phải can thiệp ngoại khoa gỡ dính, làm thông vòi trứng…
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh quai bị
Có thể thấy việc phát hiện và điều trị kịp thời quai bị là vô cùng quan trọng để tránh biến chứng đặc biệt là vô sinh.
Chẩn đoán xác định bệnh được dựa vào biểu hiện bệnh, dịch tễ và cận lâm sàng:
– Dịch tễ: chưa chích ngừa quai bị, chưa mắc bệnh quai bị, có tiếp xúc với người quai bị 2-3 tuần trước.
– Biểu hiện bệnh: sưng tuyến mang tai một hoặc hai bên, lỗ Stenon sưng đỏ.
– Các xét nghiệm cần thực hiện:
Xét nghiệm máu: công thức máu, amylase/máu, phản ứng viêm CRP.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: siêu âm các tuyến nước bọt 2 bên, siêu âm tinh hoàn 2 bên, siêu âm ổ bụng ….v..v.
Tiêu chuẩn nhập viện là khi:
– Sốt cao.
– Đau bụng nhiều.
– Nôn ói nhiều.
– Đau đầu nhiều.
– Vùng bìu sưng đỏ, đau.
Chăm sóc người bệnh tại nhà
– Dinh dưỡng: ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu.
– Hạn chế ăn thức ăn và nước uống có vị chua.
– Vệ sinh răng miệng mỗi ngày.
– Tránh thói quen không tốt như bôi, đắp nóng vùng tuyến mang tai.
– Cách ly, tránh tiếp xúc với người xung quanh
Khi thấy những dấu hiệu mắc bệnh quai bị, cần được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời
Phòng ngừa bệnh quai bị
– Tránh tiếp xúc với người bị bệnh quai bị.
– Khi đã phát hiện bị bệnh quai bị cần phải cách ly tránh lây lan cho những người xung quanh cho đến khi các biểu hiện bệnh giảm bớt.
– Rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc bé. Cần hướng dẫn trẻ che miệng khi ho, khi hắt xì.
– Tiêm phòng vaccin đầy đủ các bệnh theo lịch tiêm chủng mở rộng.
– Tiêm vaccin 3 trong 1 (Sởi- Quai bị- Rubella): lúc 12-15 tháng, nhắc lại liều 2 lúc 4-6 tuổi. Người lớn tiêm 1 liều duy nhất.
Trong trường hợp mắc quai bị ảnh hưởng đến cơ quan có liên quan đến chức năng sinh sản cần chủ động thăm khám sớm để có biện pháp điều trị kịp thời. Nếu các bạn cần tư vấn thêm về phương pháp TESA, TESE… hay các kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn, có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm IVF Hồng Ngọc.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hạnh – Trung tâm IVF Hồng Ngọc
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Cơ sở 1:
Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014
Cơ sở 2:
Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084