Những chủ đề đáng chú ý tại Hội thảo thường niên ESHRE 2019

Hội thảo thường niên của ESHRE với tổng số đại biểu tham dự lên tới 12 nghìn người đã khép lại với những chủ đề thảo luận đáng chú ý, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.

Hàng năm Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu (European Society of Reproduction and Embryology – ESHRE) tổ chức hội thảo thường niên để họp bàn và thảo luận về những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Năm nay, Hội thảo thường niên ESHRE lần thứ 35 được tổ chức tại thủ đô Vienna, Áo từ 23/6 đến 26/6/2019 với sự tham dự của 12.000 chuyên gia đến từ các quốc gia trên khắp thế giới.

Đại diện cho Trung tâm IVF Hồng Ngọc tham dự hội thảo này là bác sĩ Nguyễn Bình Dương và chuyên gia phôi học Vũ Đình Chất. Hai chuyên gia đã tham gia đầy đủ các phiên thảo luận quan trọng với nhiều nội dung mới trong lĩnh vực. Hãy cùng chúng tôi điểm qua những chủ đề đáng chú ý nhất tại Hội thảo thường niên ESHRE 2019.

Chuyên gia Vũ Đình Chất đóng góp ý kiến thảo luận

Có nên áp dụng phương pháp ICSI toàn bộ hay không?

ICSI và IVF là hai phương pháp thụ tinh giữa trứng và tinh trùng để tạo phôi, phôi sau đó được chuyển vào tử cung người mẹ, phát triển thành em bé. Với phương pháp IVF (Thụ tinh trong ống nghiệm), tinh trùng và trứng được đặt chung vào một vị trí, khi đó tinh trùng tự bơi tới và thụ tinh với trứng. IVF được coi là phần nào mô phỏng quá trình thụ tinh trong tự nhiên. Ngược lại, trong phương pháp ICSI (Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), chuyên viên phôi học chủ động chọn và tiêm tinh trùng vào trứng để tạo phôi.

Phương pháp ICSI ban đầu được tạo ra với mục đích điều trị cho bệnh nhân vô sinh nhân tố nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chỉ định cho ICSI ngày càng tăng lên, ngay cả với những bệnh nhân nam giới có tinh dịch đồ bình thường.

Phương pháp ICSI – tiêm tinh trùng vào bào tương trứng

Tại Hội thảo thường niên ESHRE 2019, một số nhà khoa học đã đưa ra các bằng chứng, chứng minh hai phương pháp ICSI và IVF cho kết quả không khác nhau. Việc đánh giá này được thực hiện dựa trên các yếu tố như tỷ lệ thụ tinh, tỉ lệ mang thai và tỉ lệ trẻ sinh sống.

Một xu hướng nhỏ được chỉ ra là IVF có tỉ lệ thụ tinh thất bại có phần cao hơn ICSI. Hơn nữa, kết quả này là nghiên cứu hồi cứu chứ chưa phải là các thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên. Để kết luận và đưa ra được định hướng thực hành tốt hơn chúng ta cần đợi thêm kết quả của các nghiên cứu sắp tới, đặc biệt là nghiên cứu dạng RCT.

Tại IVF Hồng Ngọc, phác đồ điều trị của mỗi bệnh nhân được cá thể hoá phù hợp với điều kiện sức khoẻ, xã hội và tài chính của từng cặp đôi. Việc lựa chọn phương pháp IVF thông thường hay ICSI được cân nhắc kỹ lưỡng bởi các chuyên gia hàng đầu tại trung tâm nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ có ba dạng chính là PGT-A (sàng lọc bất thường về số lượng nhiễm sắc thể), PGT-M (sàng lọc phôi mang các bất thường đơn gene) và PGT-SR (gần giống với PGT-M nhưng dùng để sàng lọc phôi mang các bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể).

Tại hội thảo, các nhà khoa học đồng thuận rằng PGT chỉ là một xét nghiệm sàng lọc và không có giá trị chẩn đoán. Quy trình sinh thiết phôi chỉ nên được thực hiện vào ngày thứ 5, không nên thực hiện vào ngày 3. Đây là một quy trình xâm lấn do đó nó có thể ảnh hưởng tới khả năng sống và làm tổ của phôi sau đó.

Chuyên gia Vũ Đình Chất tham gia tranh luận về xét nghiệm di truyền tiền làm tổ

Đối tượng chỉ định của xét nghiệm sàng lọc PGT-A là phụ nữ lớn tuổi (≥ 38 tuổi), sảy thai nhiều lần, làm IVF nhiều lần thất bại. Không nên lạm dụng PGT-A cho phụ nữ trẻ tuổi. PGT là quy trình phức tạp do đó cần có sự tư vấn bệnh nhân rõ ràng trước và sau khi thực hiện quy trình.

Sau khi sàng lọc di truyền chỉ nên chuyển một phôi nhằm tránh tình trạng đa thai và những nguy cơ ảnh hưởng tới mẹ và bé. Ngoài ra, phôi khảm là một vấn đề nhức nhối và chưa đạt được đồng nhất giữa các nhà khoa học. Tuy nhiên, mọi người đều thống nhất có thể sử dụng phôi khảm để chuyển cho bệnh nhân nhưng cần phải tư vấn và cân nhắc kỹ càng.

Công nghệ Time-lapse và AI trong lựa chọn phôi

Time-lapse monitoring hay còn gọi là công nghệ theo dõi phôi liên tục đã được đưa vào áp dụng tại lab IVF trong những năm gần đây. Time-lapse được hứa hẹn sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ trong nuôi cấy và lựa chọn phôi.

Màn hình theo dõi quá trình phát triển của phôi tại Trung tâm IVF Hồng Ngọc

Công nghệ theo dõi phôi liên tục tạo ra lượng thông tin lớn, yêu cầu sự trợ giúp của công nghệ tin học nhằm phân tích cặn kẽ. Do đó, ngày càng nhiều đơn vị sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với Time-lapse để đưa ra mô hình dự đoán tiềm năng phát triển của phôi. Một số mô hình dự đoán đã được báo cáo trong hội thảo và cho kết quả hứa hẹn. Các mô hình này đã và đang được áp dụng trên quy mô lớn hơn. Hy vọng thời gian ngắn sắp tới chúng ta sẽ có công cụ mạnh để lựa chọn được phôi tốt nhất nâng cao hiệu quả điều trị.

Ngoài ra còn có rất nhiều các kiến thức, kỹ thuật mới được cập nhật và bàn thảo trong bốn ngày hội nghị ESHRE. Tuy nhiên, không phải tất cả các kết quả của hội nghị đưa ra đều có thể áp dụng được ngay trong thực hành lâm sàng. Vì vậy, các chuyên gia của trung tâm IVF bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc sẽ xem xét và lựa chọn các phương pháp thực hành tốt nhất cho bệnh nhân.

Ngay sau khi Hội thảo thường niên ESHRE 2019 kết thúc, hai chuyên gia của Trung tâm IVF Hồng Ngọc đã đến Cộng hoà Séc để tiếp tục chuyến tu nghiệp của mình tại những trung tâm IVF hàng đầu thế giới. Chúng tôi sẽ cố gắng luôn cập nhật và làm những gì tốt nhất để nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Add: Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016
Tel: +(84-24) 3927 5568 ext 6820/6825
Email: arthongngoc@hongngochospital.vn