Kháng thể kháng tinh trùng trong miễn dịch sinh sản

Kháng thể kháng tinh trùng (KTKTT) là một trong những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn. Khi có KTKTT trong cơ thể, việc thụ thai tự nhiên rất khó xảy ra vì kháng thể sẽ ngăn chặn các tinh trùng thụ tinh với trứng, do đó ngăn ngừa sự thụ tinh đang diễn ra.

Khái niệm miễn dịch

Miễn dịch là khả năng nhận ra và loại bỏ các “vật lạ” của cơ thể. Đáp ứng miễn dịch ở cơ thể người có thể chia làm 2 loại miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.

– Miễn dịch không đặc hiệu: Là khả năng tự bảo vệ sẵn có ngay từ lúc sinh ra, mang tính di truyền. Và vì là miễn dịch không đặc hiệu nên không đòi hỏi cơ thể phải tiếp xúc trước với “vật lạ”.

– Miễn dịch đặc hiệu: Xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với kháng nguyên và có phản ứng sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại chúng. Ở loại miễn dịch này có 2 đặc điểm cơ bản là khả năng nhận dạng và trí nhớ đặc hiệu về kháng nguyên.

Kháng thể kháng tinh trùng chính là loại kháng thể đặc hiệu tinh trùng và nó thuộc loại miễn dịch đặc hiệu.

khang-the-khang-tinh-trung-trong-mien-dich-sinh-san-o-nam-gioi-1

Kháng thể kháng tinh trùng và sự hình thành

Bình thường tinh trùng trưởng thành chỉ xuất hiện ở nam giới và là kháng nguyên đối với cơ thể. Trong tinh hoàn có hàng rào máu – tinh hoàn và phức hợp liên kết, bản chất của nó là sự liên kết bền vững của các tế bào cơ và kiểu liên kết cầu tế bào giữa các tế bào Sertoli. Hàng rào này ngăn cản không cho tinh trùng và các sản phẩm thoái hóa của tinh trùng vào cơ thể, tách biệt môi trường ống dẫn tinh và máu, chúng sẽ biệt lập tiền tinh trùng và tinh trùng trưởng thành phía ngoài hàng rào. Do đó, tinh trùng trưởng thành sẽ hoàn toàn cách biệt với hệ thống miễn dịch.

khang-the-khang-tinh-trung-trong-mien-dich-sinh-san-o-nam-gioi-2

Vì nguyên nhân nào đó gây thương tổn hàng rào máu – tinh hoàn, làm tinh trùng và các sản phẩm thoái hóa của nó xuất hiện trong máu từ đó khởi phát hệ thống miễn dịch sinh ra KTKTT. 

Các nguyên nhân chính gây nên hình thành kháng thể kháng tinh trùng bao gồm:

– Thắt ống dẫn tinh,

– Tắc ống dẫn tinh (bẩm sinh hay mắc phải)

– Sinh thiết tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn

– Nhiễm khuẩn đường sinh dục,…

Vô sinh ở nam giới do kháng thể kháng tinh trùng

Tùy thuộc vào nơi các kháng thể được hình thành, tinh trùng có thể bị ảnh hưởng theo nhiều cách. Nếu kháng thể được tìm thấy trên đuôi, tinh trùng có xu hướng được cố định hoặc dính lại với nhau. Kháng thể trên đầu sẽ ngăn chặn tinh trùng tự động liên kết với trứng, do đó ngăn ngừa sự thụ tinh đang diễn ra. Một số trường hợp, chất nhầy cổ tử cung của người phụ nữ cũng có thể hình thành kháng thể để kháng tinh trùng của người chồng.

khang-the-khang-tinh-trung-trong-mien-dich-sinh-san-o-nam-gioi-3

KTKTT ảnh hưởng đến sinh sản bằng cách giảm khả năng di động hoặc tăng số lượng tinh trùng không hoạt động, tác động đến việc tinh trùng qua dịch nhầy cổ tử cung, làm biến đổi tiềm năng và phản ứng cực đầu, can thiệp vào phản ứng giữa tinh trùng và noãn. Ngoài ra, kháng thể kháng tinh trùng còn tác động đến sinh sản bằng cách làm bất động tinh trùng hoặc kết dính tinh trùng. Khi nồng độ KTKTT trong huyết tương của nam giới càng cao thì tỷ lệ vô sinh càng lớn. Vô sinh nam do KTKTT chiếm khoảng 1-6% số trường hợp vô sinh ở nam giới.

Phương pháp chẩn đoán kháng thể kháng tinh trùng

Để xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng, các nhân viên y tế sẽ yêu cầu mẫu tinh dịch của người chồng và dịch nhầy cổ tử cung ở người vợ. Xét nghiệm xác định KTKTT áp dụng trong một số trường hợp như: tinh trùng kết dính trong tinh dịch, số lượng tinh trùng thấp. tinh trùng chuyển động kém,…

Phương pháp chẩn đoán kháng thể kháng tinh trùng chủ yếu dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu như:

– Xét nghiệm MAR (Mixed Antiglobulin Reaction)

– Xét nghiệm IBT (Immunobead Test)

– Xét nghiệm Franklin & Duckes

Điều trị kháng thể kháng tinh trùng

Chỉ định điều trị kháng thể kháng tinh trùng chỉ tiến hành ở bệnh nhân có mẫu tinh dịch mà trên 50% lượng tinh trùng bị ngưng kết vì kháng thể, khi kết quả thử nghiệm sau giao hợp có số lượng tinh trùng ngưng kết bình thường thấp. Điều trị vô sinh nam có kháng thế kháng tinh trùng bằng nhiều phương pháp như: sử dụng chất ức chế miễn dịch, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF),…

Phương pháp ức chế miễn dịch:

Dùng corticoid có thể làm giảm sản xuất kháng thể và sự kết dính giữa kháng thể – kháng nguyên. Hiện chưa có sự thống nhất về liều lượng, thời gian điều trị của phương pháp này. Do đó, điều trị ức chế miễn dịch ở vô sinh nam có kháng thể kháng tinh trùng phải có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Kết quả sau thụ thai sau điều trị vào khoảng 34%.

– Phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI):

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là một phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, trong đó bác sĩ sẽ dùng một ống thông nhỏ để đưa tinh trùng đã được lọc rửa, chọn lọc qua cổ tử cung và bơm trực tiếp vào buồng tử cung. Nguyên tắc cơ bản của IUI là làm giảm các tác động bất lợi của môi trường âm đạo và chất nhầy cổ tử cung lên tinh trùng; đồng thời đặt tinh trùng ở vị trí gần trứng nhất để tăng cơ hội thụ thai. Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp có kháng thể kháng tinh trùng xuất hiện trong chất nhầy tử cung của người vợ.

Tìm hiểu thêm phương pháp bơm tinh trùng tại Trung tâm IVF Hồng Ngọc: tại đây

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF):

Thụ tinh trong ống nghệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp với nhau trong ống nghiệm thay vì trong vòi tử cung của người phụ nữ. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên. Ở Việt Nam, kỹ thuật này lần đầu tiên thành công vào năm 1998.

Hiện nay có hai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chính là: IVF cổ điển và IVF/ICSI trong đó kỹ thuật IVF/ICSI thường đem lại hiệu quả cao hơn.

* Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (intra cytoplasmic sperm injection – ICSI)

ICSI là kỹ thuật dùng hệ thống vi thao tác xử lý tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương của noãn để tạo phôi nhằm tăng khả năng thụ tinh giữa trứng và tinh trùng. Kỹ thuật ICSI được báo cáo thành công lần đầu tiên vào năm 1992. Nhờ ICSI phôi được tạo ra chỉ từ duy nhất 1 trứng và 1 tinh trùng, do đó kỹ thuật này có thể áp dụng cho những trường hợp thiểu năng tinh trùng nặng, tinh trùng được lấy từ mào tinh hoặc tinh hoàn, để tăng tỉ lệ thụ tinh, đảm bảo khả năng có phôi trong một chu kỳ hỗ trợ sinh sản.

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF tuy là phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn hiệu quả nhất nhưng không phải ai cũng có kết quả thụ thai ngay từ lần thưc hiện đầu tiên. Tỷ lệ thành công của IVF sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân vô sinh, tuổi tác của người vợ, quá trình điều trị trước đó, chuyên môn của bác sĩ thực hiện và chất lượng của bệnh viện… Hiện nay, trên thế giới, tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công là khoảng 40-45%, tại Việt Nam là khoảng 35-40%. Tỷ lệ này ngày càng giảm nếu người vợ lớn tuổi. Nếu người vợ trên 35 tuổi thì tỷ lệ thành công giảm nhiều và sẽ càng thấp nếu người vợ trên 40 tuổi.

Tìm hiểu thêm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm IVF Hồng Ngọc tại đây.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2022


Xem thêm các bài viết khác thuộc chuyên mục tin tức: https://ivfhongngoc.com/tin-tuc/

Liên hệ Trung tâm IVF Hồng Ngọc nếu có bất cứ thắc mắc về vấn đề vô sinh hiếm muộn.

Bài viết liên quan