Chụp tử cung vòi trứng trong chẩn đoán vô sinh hiếm muộn nữ

Tổn thương ống dẫn trứng là nguyên nhân chiếm tỉ lệ từ 25-35% các trường hợp vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Và chụp tử cung vòi trứng chính là một trong những phương pháp giúp phát hiện những tổn thương này, góp phần chẩn đoán chính xác tình trạng vô sinh nữ.

Chụp tử cung – vòi trứng là gì?

Chụp cản quang tử cung vòi trứng là phương pháp sử dụng tia – X để kiểm tra ống dẫn trứng thông suốt hay bị tắc nghẽn, đồng thời giúp quan sát hình dạng buồng tử cung có bình thường hay không. Chụp cản quang tử cung vòi trứng được thực hiện trong khoảng 30 phút và chụp vào thời điểm bệnh nhân sạch kinh nhưng trước thời điểm rụng trứng.

Cách tiến hành chụp tử cung – vòi trứng

Thời điểm chụp cản quang tử cung vòi trứng tốt nhất là sau sạch kinh 2-3 ngày. Những trường hợp bị rong kinh thì có thể chụp trễ hơn nhưng với điều kiện trước đó không giao hợp. Trước khi bệnh nhân chụp tử cung – vòi trứng cần được thăm khám âm đạo để loại trừ khả năng viêm nhiễm đường sinh dục.

chup-tu-cung-voi-trung-trong-chan-doan-vo-sinh-nu-1

Bệnh nhân sẽ chụp phim ở tư thế nằm sản khoa. Bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ là mỏ vịt vào trong âm đạo, lau sạch cổ tử cung và đặt một ống thông catheter vào lỗ cổ tử cung. Sau đó bác sĩ sẽ bơm vào buồng tử cung dung dịch có chứa chất cản quang (Iốt). Dung dịch này sẽ đi vào 2 ống dẫn trứng và vào ổ bụng (nếu ống dẫn trứng thông suốt). Những bất thường trong tử cung cũng có thể phát hiện nhờ phim X-quang.

Sau khi chụp, nếu thấy hình ảnh thuốc cản quang trong ổ bụng có nghĩa 2 vòi trứng thông tốt và kết quả được trả lời là Cotle(+) 2 bên. Sau khi chụp phim, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường nhưng nên sử dụng bao cao su để tránh thai hoặc nên kiêng giao hợp một vài ngày. Lưu ý: Chụp tử cung vòi trứng không dùng để khảo sát buồng trứng hoặc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung và không thực hiện chụp tử cung – vòi trứng khi nghi ngờ có thai.

Tổng hợp các phương pháp đánh giá vòi tử cung

Một số nguy cơ khi thực hiện chụp tử cung – vòi trứng

Thực hiện chụp cản quang tử cung – vòi trứng có thể làm tử cung co thắt nhẹ đến trung bình trong khoảng 5-10 phút tuy nhiên có một vài bệnh nhân thời gian này kéo dài nhiều. Vì vậy, bệnh nhân nên có người thân đi cùng và đưa về nhà sau chụp phim.

Chụp cản quang tử cung – vòi trứng được xem là một thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số biến chứng có thể xảy ra nhưng tỉ lệ không quá 1%:

– Nhiễm trùng: Biến chứng thường gặp nhất khi chụp tử cung – vòi trứng là nhiễm trùng vùng chậu. Điều này xảy ra thường do bệnh nhân bị nhiễm trùng ống dẫn trứng trước đó. Nếu đau nhiều hoặc sốt trong 1-2 ngày sau chụp tử cung – vòi trứng bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

chup-tu-cung-voi-trung-trong-chan-doan-vo-sinh-nu-2

– Ngất xỉu: Rất hiếm xảy ra. Bệnh nhân có thể thấy choáng váng một thời gian ngắn trong và sau khi chụp tử cung – vòi trứng.

– Nhiễm xạ: Nhiễm xạ với tia X khi chụp tử cung – vòi trứng rất ít xảy ra, và ít hơn so với chụp cản quang thận hay ruột. Hiện tại vẫn chưa phát hiện ra bệnh lí nào do những tia xạ này gây ra.

– Dị ứng Iốt: Rất ít gặp trường hợp bệnh nhân dị ứng với chất cản quang Iốt trong dung dịch bơm vào buồng tử cung. Trước khi chụp, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng với Iốt, thuốc cản quang truyền tĩnh mạch hay hải sản. Những trường hợp dị ứng với Iốt sẽ thực hiện chụp tử cung vòi trứng với dung dịch cản quang không chứa Iốt. Sau chụp, nếu xuất hiện ban, sưng phồng hay ngứa bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.

– Xuất huyết âm đạo: Bệnh nhân có thể ra một ít huyết âm đạo trong 1-2 ngày sau chụp. Tuy nhiên, nếu chảy máy nhiều thì bệnh nhân phải đến bệnh viện để kiểm tra lại.

Phương pháp điều trị khi bị tắc hai ống dẫn trứng

Khi xác định 2 ống dẫn trứng bị tắc, căn cứ vào mức độ nặng – nhẹ của bệnh bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị thích hợp:

– Phẫu thuật nội soi tử cung – vòi trứng: Bác sĩ nội soi sẽ đưa dụng cụ chuyên khoa vào vòi trứng để tách những chỗ dính trong lòng vòi trứng. Đây là phương pháp điều trị tắc vòi trứng phổ biến nhất hiện nay với tỉ lệ thành công tương đối cao lên đến 85% với những trường hợp tắc vòi trứng ở đoạn gần.

– Phẫu thuật nội soi tái tạo loa vòi: Loa vòi ống dẫn trứng bị dính tắc sẽ ngăn chặn khả năng đón bắt trứng. Để khắc phục tình trạng này bác sĩ sẽ cắt bỏ những dải dây dính quanh vòi trứng và loa vòi. Hiệu quả chữa tắc vòi trứng của phương pháp này là khoảng 40%.

chup-tu-cung-voi-trung-trong-chan-doan-vo-sinh-nu-3

– Phẫu thuật cắt – nối ống dẫn trứng: Thường được áp dụng trong những trường hợp bị tắc ống dẫn trứng quá nặng. Phương pháp này bao gồm:

+ Cắt bỏ phần ống dẫn trứng bị ứ dịch và để lại tử cung, buồng trứng: Điều trị bằng phương pháp này bệnh nhân nếu muốn mang thai phải áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như thụ tinh ống nghiệm (IVF).

+ Nối ống dẫn trứng: Được áp dụng khi vòi trứng tổn thương ở đoạn giữa và bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn bị tổn thương đồng thời nối hai đầu vòi trứng lại với nhau.

Chụp tử cung – vòi trứng là xét nghiệm quan trọng để đánh giá tình trạng ống dẫn trứng, giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân vô sinh nữ cũng như định hướng điều trị. Tuy nhiên, trước khi chụp tử cung – vòi trứng, bệnh nhân phải được sự chỉ định và tư vấn của các bác sĩ Sản khoa để tránh các tai biến có thể xảy ra.

>> ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ:

Trung tâm IVF Hồng Ngọc – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Cơ sở 1:

Add : Tầng 14, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Hotline: 0915.960.139 – 0915.330.016

Fanpage: https://www.facebook.com/ivfhongngoc2014

Cơ sở 2:

Add: Tầng 12, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0911.053.794 – 0886.042.084

Fanpagehttps://www.facebook.com/ivfhongngoc2022